Đẩy lùi hàng giả, hàng nhái: Kiểm soát chặt thị trường và đầu vào hàng hóa Thương mại điện tử: Tiềm ẩn nhiều rủi ro buôn lậu, hàng giả, hàng nhái |
Doanh nghiệp đau đầu với vấn nạn hàng giả, hàng nhái
Tại cuộc Tọa đàm với chủ đề “Nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng” do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức ngày 25/7, các đại biểu đều nhận định, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng có diễn biến phức tạp và trở thành vấn nạn, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung.
Ông Dương Mạnh Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2025, chi cục đã kiểm tra, xử lý 2.068 vụ buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; chuyển cơ quan điều tra 37 vụ việc; phạt hành chính 33,9 tỷ đồng; số tiền thu lợi bất hợp pháp 15 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu 8,6 tỷ đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: 41,2 tỷ đồng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2025 là 53,3 tỷ đồng.
"Hàng giả, hàng nhái hiện nay rất tinh vi, đặc biệt trên môi trường thương mại điện tử. Các đối tượng thường là mắt xích trong đường dây nhưng lại ẩn mình dưới một lớp vỏ bọc nào đó, hoạt động ở các khu vực ngoại ô, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý” - ông Dương Mạnh Hùng nêu.
![]() |
Hàng giả, hàng nhái hiện nay rất tinh vi. Ảnh: TL |
Về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Thế Nhu - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, thời gian gần đây, doanh nghiệp đã phát hiện và ghi nhận rất nhiều trường hợp các tổ chức, cá nhân lợi dụng, giả mạo thương hiệu Tổng Công ty May 10 với nhiều mục đích khác nhau.
Các đối tượng này bán sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, mạo danh bán đồng phục công sở, áo polo, hàng xả kho, hàng xuất dư với danh nghĩa May 10. Tình trạng này gia tăng đáng kể từ đầu năm 2022 đến nay, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok và zalo.
Theo ông Hoàng Thế Nhu - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 - CTCP, để có một thị trương lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, giám sát các hoạt động kinh doanh trên không gian mạng, đặc biệt là các nền tảng facebook, tiktok và zalo... |
Phân tích về vấn nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan, Phó Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho hay, người tiêu dùng có một đặc quyền rất lớn, đó là không mua nếu nghi ngờ là hàng giả. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người lại chọn sự dễ dãi, ngại xác minh, ngại phản hồi. Chính điều này khiến hàng giả có điều kiện tồn tại và phát triển. Thực tế này phản ánh một nghịch lý đáng buồn, hàng giả không chỉ xuất phát từ hành vi vi phạm của người bán, mà còn được “nuôi sống” bởi chính thói quen dễ dãi của người mua.
Xây dựng ý thức tiêu dùng thông minh
Trước thực trạng này, các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia và người tiêu dùng đã cùng thảo luận về những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường kiểm soát, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên thị trường; xây dựng ý thức tiêu dùng thông minh, có trách nhiệm trong nhân dân.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, bà Hoàng Thị Hồng - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Hà Nội) nhấn mạnh, trước khi quyết định mua hàng người tiêu dùng cần biết cách kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của sản phẩm thông qua đọc kỹ nhãn sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng và các thông số kỹ thuật để đảm bảo chúng phù hợp với nhu cầu của mình. Ngoài ra, tham khảo đánh giá từ các nguồn tin uy tín hoặc người đã từng sử dụng sản phẩm cũng là cách giúp đưa ra quyết định chính xác hơn.
Trong thời đại công nghệ số, người tiêu dùng cần cảnh giác với các trang web giả mạo, không chia sẻ thông tin cá nhân với các nguồn không đáng tin cậy và ưu tiên mua hàng trên những nền tảng có chính sách bảo vệ khách hàng rõ ràng.
![]() |
Ông Dương Mạnh Hùng-Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin tại cuộc tọa đàm. |
Về phía chuyên gia, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc Sức khỏe cộng đồng Việt Nam Nguyễn Thị Chính chia sẻ, để nâng cao nhận thức của người dân về việc ưu tiên lựa chọn các sản phẩm hàng Việt Nam, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và chính người tiêu dùng. Ở đó, cơ quan quản lý, lực lượng chức năng, doanh nghiệp cần đẩy mạnh sử dụng các kênh truyền thông đại chúng để lan tỏa thông điệp này một cách rộng rãi. Xây dựng các tài liệu truyền thông trực quan, sinh động như tờ rơi, poster, video clip ngắn, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau nhưng phải trung thực, hiểu đúng về sản phẩm.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lại Hoàng Dương - Giám đốc Công ty CP Truyền thông Máy tính Thánh Gióng cũng nhấn mạnh, cần có một mối liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa doanh nghiệp-truyền thông-cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp phải cam kết sản phẩm đạt chất lượng, minh bạch nguồn gốc. Truyền thông làm tốt vai trò định hướng, phản ánh trung thực, tích cực lan tỏa gương sáng, kịp thời cảnh báo vi phạm. Nhà nước cần hoàn thiện pháp luật, tăng cường giám sát và xử lý nghiêm minh.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Hà Nội, thời gian tới đơn vị sẽ phối hợp với Sở Công thương Hà Nội và các doanh nghiệp tổ chức các chương trình kết nối cung-cầu, đưa hàng Việt về khu dân cư ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất, qua đó giúp người dân được tiếp cận sản phẩm hàng Việt chất lượng, giá cả hợp lý. Đặc biệt, đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng tập trung vào việc nâng cao nhận thức người dân không chỉ về trách nhiệm ưu tiên dùng hàng Việt, mà còn về chất lượng ngày càng tốt của sản phẩm Việt, từ đó hình thành tâm lý tự hào khi sử dụng hàng hóa trong nước. |