Tham dự hội nghị tập huấn có lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đại diện các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng và sự tham gia của gần 230 học viên đến từ các lực lượng Quản lý thị trường, Công an, Bộ đội Biên phòng, Thuế, Hải quan, sở công thương, sở thông tin và truyền thông, thanh tra… của 9 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.
![]() |
Ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phát biểu khai mạc hội nghị tập huấn. |
Một số lực lượng chưa thực sự vào cuộc
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh, trong những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam đã có những bước tăng tốc mạnh mẽ, nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh sự phát triển vượt bậc của TMĐT ở Việt Nam, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan trên mạng internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách...
Theo số liệu mới nhất của Bộ Công thương, tổng bán lẻ hàng hóa trên môi trường mạng của năm 2021 đạt từ 13,5 - 13,7 tỉ USD, năm 2022 thị phần bán lẻ trực tuyến là trên 16 tỉ USD và dự báo đến năm 2025 là trên 38 tỉ USD, kéo theo dịch vụ hậu cần, chuyển phát... phát triển mạnh. Nhiều công ty chuyển phát lớn có doanh thu từ đây chiếm tới 90-95%. |
Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, như: một số cơ quan, lực lượng chức năng chưa thực sự vào cuộc, công tác phối hợp, chia sẻ thông tin chưa kịp thời, chưa hiệu quả; hệ thống pháp luật chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp thời so với yêu cầu thực tế nên hiệu quả đấu tranh còn hạn chế; nguồn lực con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai nhiệm vụ trong tình hình mới; nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng còn hạn chế.
Tại hội nghị tập huấn, các chuyên gia đến từ các bộ, ngành trong thực thi pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong TMĐT như: Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) sẽ trình bày 6 chuyên đề trọng tâm.
Cụ thể: Phòng chống hàng giả, gian lận trong TMĐT; công tác quản lý hoạt động TMĐT; thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên không gian mạng; hành vi vi phạm trong lĩnh vực thông tin truyền thông liên quan tới hoạt động TMĐT; quản lý thuế và những hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT; các quy định pháp luật và biện pháp phòng, chống hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số.
![]() |
Các chuyên gia chia sẻ tại hội nghị. |
Còn hạn chế về cả ý thức và nhân lực
Theo chia sẻ của các chuyên gia tại hội nghị tập huấn cho thấy, còn nhiều thách thức lớn trong quản lý kinh doanh lĩnh vực TMĐT như các chính sách và hành lang pháp lý của Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện. Trong đó, có vấn đề quản lý và thu thuế phát sinh từ các giao dịch này vẫn còn khá mới mẻ đối với các cơ quan nhà nước.
Qua kiểm tra có 5 nhóm hành vi vi phạm phổ biến trong lĩnh vực TMĐT là do nhiều doanh nghiệp “không biết” là phải đăng ký và thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; có những doanh nghiệp lớn cũng không nắm rõ quy định về giao kết hợp đồng trong kinh doanh TMĐT; việc minh bạch và công khai hóa những chính sách và quy định ở trên các website để thông tin cho người mua biết quyền và nghĩa vụ các bên còn hạn chế; vi phạm về khuyến mại trực tuyến, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến trách nhiệm của người bán như đổi, trả hàng, bảo hành, giao hàng không đúng gây ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.
Các sàn giao dịch TMĐT còn hạn chế về cả ý thức và nhân lực để có thể kiểm soát và ngăn chặn những hành vi buôn bán không đúng quy định trên sàn của mình nên các vi phạm vẫn xảy ra.
Các chuyên gia đến từ bộ, ngành thông tin tới các học viên về một số vấn đề quản lý đối với mặt hàng kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh như thuốc lá, thuốc lá thế hệ mới, rượu/bia... trên môi trường internet; cách thức thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong TMĐT cho lực lượng thực thi pháp luật trên địa bàn; các biện pháp thu thập thông tin để xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên không gian mạng; công tác quản lý thuế các hành vi vi phạm trong TMĐT...
![]() |
Gian giới thiệu sản phẩm của VAMM. |
Bên lề hội nghị, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đã giới thiệu nhiều sản phẩm, phụ tùng xe máy và hướng dẫn cách nhận diện hàng thật, hàng giả.
Thông tin từ hiệp hội cho thấy, những năm gần đây lượng phụ tùng vi phạm tràn lan trên thị trường; đặc biệt thời gian gần đây vi phạm có thủ đoạn tinh vi hơn và chủ yếu bán qua hình thức online.
Các sản phụ tùng và thiết bị xe máy của các thương hiệu quen thuộc của các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam như Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki, SYM được đăng bán khá nhiều với đủ loại mức giá. Trong đó vẫn còn rất nhiều sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nói trên hoặc không xác minh được nguồn gốc.
Hành vi xâm phạm quyền trên website bán hàng thường thể hiện dưới dạng như: sử dụng trái phép nhãn hiệu đang được bảo hộ của tổ chức/cá nhân khác trên website hay các nội dung, bài đăng trên website và đăng tải hình ảnh sản phẩm là sản phẩm giả hoặc nhái trên website.
Trước đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chủ trì phối hợp với một số bộ, ngành tổ chức Hội nghị tập huấn về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT cho lực lượng chức năng. Sau 2 hội nghị tập huấn được tổ chức tại khu vực Tây Nguyên (gồm 7 tỉnh, thành phố), Tây Nam Bộ (13 tỉnh, thành phố) với gần 500 học viên đến từ các sở, ngành, lực lượng chức năng nòng cốt của Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố tham gia, góp phần nâng cao kiến thức để vận dụng, áp dụng trong công tác chuyên môn, đấu tranh hiệu quả đối với các vi phạm lĩnh vực này trong thời gian tới. |