Có hiện tượng “lách” để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp

Chia sẻ tại đối thoại chuyên đề "Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trước tác động dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP", do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đạt khoảng 15,9% GDP là một con số rất lớn, vượt ngoài sự tưởng tượng của cơ quan quản lý.

“Phát triển nhanh chắc chắn sẽ có những điểm chúng ta cần phải quan tâm, chúng tôi gọi là những rủi ro tiềm ẩn. Từ năm 2018 đến nay Chính phủ ban hành 3 nghị định theo hướng ngày càng tăng cường minh bạch thông tin, yêu cầu các doanh nghiệp phát hành phải minh bạch hơn về thông tin khi phát hành, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trái phiếu”, ông Nguyễn Hoàng Dương cho hay.

Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, các tổ chức tư vấn phát hành, tổ chức phân phối chào mời nhà đầu tư cá nhân và có hiện tượng “lách” để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

"Trên thị trường sơ cấp, nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp vẫn duy trì tỷ lệ rất thấp khoảng 5,5% tổng mức phát hành trái phiếu của thị trường. Thế nhưng trên thị trường thứ cấp, tỷ lệ mua trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư cá nhân lại chiếm gần 30%, thậm chí rất cao trong lĩnh vực bất động sản, với gần 40%. Lách ở đây không có nghĩa là sai luật, mà vận dụng những điều pháp luật cho phép để “hô biến” những nhà đầu tư chưa phải nhà đầu tư chuyên nghiệp để trở thành những nhà đầu tư chuyên nghiệp, theo quy định của pháp luật và được nhà đầu tư chấp thuận", ông Dương nói.

Có
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153 kỳ vọng tăng chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Ảnh: T.L

Bên cạnh đó, qua quản lý giám sát thị trường, nhiều trường hợp doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu hạn chế hay những doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn huy động được khối lượng lớn trái phiếu. Lại có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng không gắn việc sử dụng vốn với mục đích phát hành, có hiện tượng lưu chuyển vốn lòng vòng giữa các tổ chức phát hành và tổ chức thực chất sử dụng vốn.

“Thị trường Việt Nam có đặc thù khi chúng ta càng khuyến nghị, càng cảnh báo, nhà đầu tư lại có thiên hướng tăng đầu tư và cũng chưa quan tâm đến rủi ro. Chúng tôi đang thiết kế hành lang pháp lý hướng tới quản lý chặt chẽ hơn trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ”, ông Dương nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ

Trước những quan ngại đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết thêm, Bộ Tài chính hiện đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm việc với Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam có những thiết kế tháo gỡ những khó khăn, “khơi thông” về quy trình cũng như thời gian thẩm định việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, đem lại lợi ích cho nhiều bên.

Theo đó, nhà đầu tư mua trái phiếu sẽ yên tâm hơn, mặc dù rủi ro vẫn do nhà đầu tư chịu hoàn toàn nhưng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng có “tấm lá chắn” do được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rà soát và cấp phép trước khi phát hành. Doanh nghiệp cũng có lợi hơn, nhất là với những công ty đại chúng do việc công bố thông tin không phải là một “gánh nặng”.

Bộ Tài chính cũng đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có những giải pháp để phát triển song song các kênh khác để có thể bù đắp kênh trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp có thay đổi về khung pháp lý, như các quỹ đầu tư về trái phiếu, các loại hình quỹ đầu tư, quỹ hưu trí khác.

“Một điểm quan trọng chúng tôi sẽ đưa vào các quy định để nhanh chóng thiết lập thị trường thứ cấp giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, một mặt, thị trường nhà đầu tư có thêm nhiều kênh thông tin để đầu tư và giao dịch. Đồng thời, về phía cơ quan quản lý cũng sẽ có những thông tin ở trên thị trường thứ cấp để điều hành thị trường”, ông Dương cho hay.

“Chúng tôi cũng sẽ phải cân nhắc, giảm thiểu những rủi ro thông qua quy định tỷ lệ đòn đẩy, quy mô huy động trên vốn chủ sở hữu với loại hình sản phẩm tài chính này. Đồng thời, nghiên cứu kỹ việc đánh đổi khi hạn chế mục đích phát hành, quy định giới hạn được huy động. Nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ phải giám sát trái phiếu phát hành bởi vì đây là trái phiếu riêng lẻ và không cần cơ quan quản lý nhà nước cấp phép. Do vậy, khi thấy rằng vốn không được sử dụng đúng mục đích, nhà đầu tư được quyền yêu cầu doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu, là một quyền chính đáng”, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết.

Trong dự thảo sửa Nghị định 153 cũng quy định về người đại diện sở hữu trái phiếu, sẽ thay mặt nhà đầu tư yêu cầu doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trong trường hợp không sử dụng đúng mục đích. Quy định về người đại diện sở hữu trái phiếu, trách nhiệm đại diện người sở hữu trái phiếu đã được quy định ở pháp luật chứng khoán. Lúc đó, sẽ căn cứ vào pháp luật chứng khoán để xử lý trong trường hợp này.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành, đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới bắt buộc phải có định mức tín nhiệm, chứ không phải tất cả các trường hợp. Nhờ đó, giúp các nhà đầu tư cá nhân có thêm một chỉ báo, cố gắng giảm thiểu hơn nữa rủi ro đối với nhà đầu tư khi đưa ra quyết định./.