Khát vọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự cường
Tái cơ cấu ngân sách, thị trường tài chính đạt kết quả khả quan
Thủ tướng: Cần ‘đội đặc nhiệm’ đứng ra tái cơ cấu nền kinh tế
Tái cơ cấu nền kinh tế: Tránh bài học đầu tư dàn trải

Sáng 30/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025. Các ý kiến phát biểu đều đồng tình về sự cần thiết ban hành kế hoạch, nhất là trong bối cảnh hiện nay

Sẽ tạo ra đột phá từ những bức xúc của dân

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh), cần xác định rõ các "nút thắt" để tái cơ cấu hiệu quả.

Theo ĐB, cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa những “nút thắt” thì cũng như ta xây dựng đường cao tốc nhưng không giải tỏa được các điểm nghẽn. Cơ cấu lại nền kinh tế phải bắt đầu từ việc, xác định đâu là những “nút thắt” của mỗi ngành, mỗi địa phương và của nền kinh tế là phương thức tiếp cận từ thực tiễn.

ĐB Trần Hữu Hậu phân tích thêm, sau khi Chính phủ có chương trình hành động, các bộ, ngành, địa phương sẽ xây dựng chương trình hành động của mình, thế nhưng, kết quả cơ cấu lại của các ngành, các địa phương với vai trò "nhạc trưởng" Chính phủ sẽ là một trong những yếu tố quyết định thành công kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế. Các địa phương không sao chép các chỉ thị, nghị quyết một cách rập khuôn, máy móc như trước đây, không đưa chương trình, kế hoạch hành động những việc mà chính mình chưa biết phải làm thế nào.

Đại biểu Quốc hội phiên thảo luận về kế hoạch cơ cấu nền kinh tế. Ảnh: QH
Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về kế hoạch cơ cấu nền kinh tế. Ảnh: QH

Trên thực tế, cũng có những mâu thuẫn của sự phát triển, do đó, theo ĐB tỉnh Tây Ninh, trong cấu lại nền kinh tế, nếu các ngành, các địa phương bắt đầu từ những mâu thuẫn trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, từ những bức xúc của người dân và doanh nghiệp thì sẽ tìm và tháo gỡ được những nút thắt và tạo ra những thay đổi mang tính đột phá. Đó là một phương thức nhằm cơ cấu lại nền kinh tế thiết thực nhất, mạnh mẽ nhất và hiệu quả nhất.

ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành, triển khai kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Việc ban hành kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, là "cơ hội" quan trọng và hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh tình hình mới.

Những hạn chế thời gian qua, theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn, đã vô tình "trói buộc" các địa phương trong quá trình phát triển. Hạn chế này cần được khắc phục ngay trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

ĐBQH Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) nhận định, báo cáo của Chính phủ đã nêu toàn diện nhiều mặt, kể cả những hạn chế, yếu kém, thách thức và có nhiều chi tiết có so sánh đánh giá, nhận định xếp hạng các vấn đề lớn “để thấy được chúng ta đang ở đâu”.

Thu hút nguồn lực cho phát triển

Đưa ra gợi ý phát triển cho giai đoạn mới này, ĐB Trần Quốc Tuấn cho rằng, cần nâng cao chất lượng dự báo để có các kịch bản ứng phó phù hợp khi xây dựng kế hoạch cơ cấu trong giai đoạn 2021-2025. “Trong giai đoạn này phải linh hoạt để kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 vì không có dự báo tốt sẽ không đưa được các kế hoạch ứng phó tốt nhất với từng ổ dịch, từng vùng… và chúng ta khó có thể đạt được các mục tiêu đề ra trong kế hoạch này”, ĐB nói.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế trong bối cảnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước có giới hạn. ĐB cũng đề nghị cần phân bổ ngân sách nhà nước để đầu tư nâng cao năng lực của ngành y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở để thích nghi an toàn với tình hình dịch bệnh Covid-19.

Đoàn đại biểu Quốc hội Hưng Yên. Ảnh: QH.
Đoàn đại biểu Quốc hội Hưng Yên tại phiên họp sáng 30/10.. Ảnh: QH.

ĐB Trần Quốc Tuấn đề nghị: “Chính phủ cần tập trung phân bổ nguồn lực để đầu tư cho ngành y tế sản xuất sinh phẩm, vắc-xin và trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống, điều trị Covid-19. Bên cạnh đó, cần đầu tư mỗi địa phương ít nhất một bệnh viện tuyến tỉnh, một khoa, phòng; bệnh viện tuyến huyện đầy đủ các trang thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Có như thế mới có thể thích nghi với tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trong giai đoạn tới”.

Quan tâm đến công tác quy hoạch, ĐBQH Đào Hồng Vận (Hưng Yên) cho rằng, quy hoạch phải đi trước một bước.

Theo ĐB Đào Hồng Vận, với tinh thần quy hoạch đi trước một bước, việc quy hoạch phải được xây dựng, triển khai sớm, tránh tình trạng một số địa phương, một số ngành đến thời điểm tổ chức triển khai mới quy hoạch. Quy hoạch xong thì nhiều vùng, nhiều dự án đã triển khai.

“10 năm qua, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực cố gắng của các ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã đạt được nhiều kết quả to lớn, như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đất nước ta chưa bao giờ có tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Nền kinh tế phát triển ổn định, có tốc độ phát triển cao, đời sống nhân dân được nâng lên một cách rõ rệt. Tuy nhiên, trong quá trình cơ cấu lại, nền kinh tế còn có những hạn chế như báo cáo đã nêu, cần có những giải pháp để khắc phục”, ĐB Đào Hồng Vận nói.

Đưa ra một số giải pháp, ĐB đề nghị, trong bối cảnh hiện nay, tình hình dịch bệnh, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, để ổn định quan trọng nhất chúng ta phải nâng cao nội lực nền kinh tế, phát huy khai thác hiệu quả nguồn lực trong nước. Đồng thời, nâng cao vai trò điều tiết của Nhà nước bằng các công cụ chính sách./.

Câu chuyện về liên kết vùng, “quy hoạch nọ đọ quy hoạch kia”

Về vấn đề quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành cần phải được triển khai đồng bộ, thống nhất, tránh sự chồng chéo, quy hoạch nọ "đọ" quy hoạch kia. Với tinh thần quy hoạch đi trước một bước, việc quy hoạch phải được xây dựng, triển khai sớm, tránh tình trạng một số địa phương, một số ngành đến thời điểm tổ chức triển khai mới quy hoạch.

Về liên kết vùng cũng nhận được nhiều ý kiến của ĐBQH trong phiên họp tổ vừa qua. Đây là những bất cập còn tồn tại. Có ĐB nêu ví dụ, 2 địa phương gần nhau nhưng có 2 sân bay, 2 cảng nước sâu, rồi mạnh địa phương nào nấy làm, phát triển nóng, nhưng lại để các dòng sông “chết”.

Cho ý kiến về vấn đề này, ĐB Đào Hồng Vận nhận định, liên kết vùng là hết sức cần thiết. Để liên kết vùng được phát huy hiệu quả, rất cần sự điều hành của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền với quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án cụ thể và rõ ràng. Sau mỗi thời kỳ cũng cần phải nghiên cứu, đánh giá, rút kinh nghiệm cụ thể. “Tiếp tục cơ chế tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, công tác chuẩn bị phải kỹ lưỡng, khi cần nguồn lực phải triển khai được ngay để đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, tránh tình trạng lãng phí”, ĐB Đào Hồng Vận nói.