Nhìn nhận lại để bứt phá trong giai đoạn mới

Đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao kế hoạch của Chính phủ và cho rằng, Chính phủ rất trách nhiệm khi đưa ra các mục tiêu cụ thể cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Việc xây dựng và ban hành kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước; đồng thời đưa các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế đi vào thực chất, hiệu quả hơn, phù hợp với những diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 hiện nay.

Cho ý kiến cụ thể vào dự thảo kế hoạch, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém khi thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, như: việc không hoàn thành 5/22 mục tiêu, chiếm 22,7% tổng số mục tiêu đề ra tại Kế hoạch.

Khát vọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự cường
Khát vọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự cường trong giai đoạn mới là vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: QH.

Có đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá làm rõ nguyên nhân, bởi đây đều là những mục tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công như: cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động; kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế…

Tại phiên họp tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, đánh giá Tờ trình của Chính phủ và các báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Chủ tịch nước đồng tình với sự cần thiết xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, 5 năm qua, nền kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, một số mũi nhọn của nền kinh tế, nhất là ngành nông nghiệp, chế biến chế tạo… được quan tâm đầu tư, không gian thị trường được mở rộng. Chủ tịch nước cho rằng, niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ ngày càng được cải thiện, thu nhập của người dân được nâng lên, đời sống đô thị và người dân miền núi được cải thiện nhiều.

Chủ tịch nước cũng bày tỏ đồng tình với nhận định của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về những tồn tại, bất cập trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, như: cơ cấu lại đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiệu quả đầu tư công chưa cao, chưa phát huy được vai trò dẫn dắt của đầu tư công. Việc sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước tiến độ còn chậm, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được giao…

“Thời gian qua kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế, do đó, đề nghị cần tập trung nhiều hơn nữa để kinh tế tư nhân phát triển, tạo môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển”, Chủ tịch nước cho ý kiến.

Theo Chủ tịch nước, thời gian tới cần có biện pháp thúc đẩy nền kinh tế, đi sâu vào các lĩnh vực như nông nghiệp; xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ phát triển, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đúng hướng, quan tâm đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động; phát triển đô thị…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự cường, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh nền công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cũng rất quan trọng để tái cơ cấu thành công”.

Coi doanh nghiệp là “linh hồn” của nền kinh tế

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 và đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng.

Song, theo đại biểu, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần phân biệt rõ ranh giới giữa cơ cấu lại nền kinh tế và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu lại nền kinh tế được đặt trong bối cảnh tạo ra những thay đổi nền tảng, đặc biệt là liên quan đến phân bổ nguồn lực để thực hiện hiệu quả hơn.

Đại biểu đề nghị, trong nội dung báo cáo cần đề cập rõ nét hơn nội dung về năng lực quản trị quốc gia. Bởi vì, sau đại dịch Covid-19 các quốc gia trên thế giới cũng đều thống nhất nâng cao nhận thức về quản trị quốc gia, nâng cao khả năng thích ứng trước những biến động.

Cho rằng nguồn lực con người là quan trọng nhất, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị Chính phủ cần có nghiên cứu sâu hơn vấn đề hệ sinh thái về lực lượng lao động, nếu được, vấn đề nguồn nhân lực có thể được tách riêng ra thành một trụ cột.

Theo đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang), cần quan tâm đến cơ cấu lại các doanh nghiệp vì đây là xương sống của nền kinh tế, động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Có cùng quan điểm với đại biểu Lê Minh Nam, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, nguyên tắc để cơ cấu lại nền kinh tế phải gắn với kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế hậu Covid-19. “Trong kế hoạch, Chính phủ đã rất trách nhiệm khi đưa ra các phương án, mục tiêu cụ thể. Doanh nghiệp là linh hồn của nền kinh tế và chúng ta nên quan tâm đến chất lượng hơn là số lượng doanh nghiệp”, đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Có một số ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu do tác động của dịch Covid-19 dẫn tới khó khả thi như mục tiêu về số lượng doanh nghiệp; bổ sung làm rõ nội hàm, các yếu tố cấu thành kinh tế số…

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho rằng, nhân tố về chuyển đổi số, khoa học công nghệ đã mang lại sự pêhát triển rất tốt cho đất nước. Tuy nhiên thời gian tới, cần phải đưa những giải pháp đột phá mạnh mẽ hơn ngoài chuyển đổi số và cải cách thể chế.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị tập trung hoàn thành ba lĩnh vực trọng tâm giai đoạn trước chưa thực hiện được theo kế hoạch. Đồng thời, cần tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, giữ vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Ngoài ra, vị đại biểu là Ủy viên Thường trực của Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội này cho rằng, cần phối hợp điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả và phối hợp chặt chẽ giữa hai chính sách để hỗ trợ tăng trưởng trên cơ sở bảo đảm an toàn nợ công và ổn định kinh tế vĩ mô./.