Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết như vậy tại Phiên họp tổ sáng ngày 22/10/2016 của Quốc hội.

Muốn tái cơ cấu phải có nguồn lực thực

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, chúng ta phải có quyết tâm chính trị rất cao mới có thể tái cơ cấu thành công. Bởi không quyết tâm chính trị cao thì vẫn là cách làm cũ, không ăn thua, kém hiệu quả. Thủ tướng cũng lưu ý, việc dám cắt bỏ những cái kém hiệu quả là quyết tâm phải thực hiện khi tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, cần phải có nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó chú trọng vào các trụ cột như đầu tư công, hệ thống tài chính ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước,... “Tái cơ cấu mà không có tiền mặt thì làm sao tái cơ cấu?”, Thủ tướng đặt câu hỏi.

Thủ tướng lấy ví dụ, nợ xấu ngân hàng rất lớn, ngân hàng 0 đồng thì coi như không tồn tại, nợ xấu lớn. Muốn giải quyết tình hình nợ xấu cao như thế, phải có tiền mặt. Chúng ta phải dành ra tiền mặt, một lượng cần thiết, đây cũng là kinh nghiệm các nước.

Theo Thủ tướng, việc tìm xem Việt Nam có thế mạnh là gì rất quan trọng. Thời gian tới, ngoài các vấn đề như doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, đầu tư công,... cần tập trung chỉ đạo để phát triển các thế mạnh của Việt Nam.

tai co cau the gioi
Vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế được nhiều đại biểu cho ý kiến thẳng thắn.

Cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) cho rằng, kinh tế thế giới phục hồi chậm (tăng trưởng chỉ 3,1%); trong khi đó, trong nước có nhiều tác động bất lợi, nhưng kết quả tăng trưởng 5,93% trong 9 tháng qua là tích cực. Nếu năm nay tăng trưởng khoảng 6,3% là chấp nhận được.

ĐB Phạm Phú Quốc (TP. Hồ Chí Minh) thì cho hay, tái cơ cấu nền kinh tế phải bảo đảm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, vì vậy bên cạnh vấn đề tăng trưởng phải tính đến vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng sạch cho người dân.

“Việt Nam cần xác định ngành nghề trọng điểm của mình, là kinh tế biển, là du lịch hay ngành gì và cũng cần cần xác định Việt Nam không thể cạnh tranh về công nghiệp. Tóm lại, tôi cho rằng tái cấu trúc nền kinh tế phải xác định, xây dựng được một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn, một số đô thị phát triển; ngành nghề, sản phẩm chủ lực của Việt Nam, nhằm cạnh tranh với thế giới”, ĐB Quốc nhấn mạnh.

"Năm nay không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, trong khi các cân đối của nền kinh tế lại xây dựng theo chỉ tiêu này. Do vậy, các chỉ tiêu về tài chính ngân sách đang tạo nhiều áp lực cho ngành Tài chính, các chỉ tiêu tương đối về thu chi ngân sách, nợ công, bội chi,... có thể bị ảnh hưởng. Do vậy, thời gian tới, cần phải có những biện pháp đột phá, có hiệu quả thực sự".

ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng)

Chất lượng tăng trưởng mới quan trọng

Tại phiên họp tổ, nhiều đại biểu đánh đánh giá cao những kết quả đạt được của kinh tế - xã hội năm 2016.

Theo ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình), điểm nổi bật của năm 2016 là sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ với tinh thần quyết liệt, thẳng thắn nhìn vào khó khăn. Thông điệp Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, liêm chính rất mạnh mẽ. Chính phủ cũng đã nói đi đôi với làm thể hiện qua việc tổ chức các đoàn kiểm tra tại các địa phương, hay đích thân Thủ tướng Chính phủ đến những nơi khó khăn nhất và có thái độ chỉ đạo quyết liệt.

Kết quả nổi bật khác là công khai, minh bạch đã được nâng lên trong chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là trong xử lý các sai phạm. Đây là điểm có thể tạo được lòng tin của người dân.

“Ngày xưa tục ngữ, ca dao có bảo, 'không nên vạch áo cho người xem lưng, đóng cửa trong nhà bảo nhau', nhưng điều này có thể chỉ đúng trong một thời kỳ thôi. Ngày xưa đói thì 'ăn cố, làm cố', còn nay 'ăn cố' thành sinh bệnh”, ĐB Phương nói.

Một điểm nữa cũng được ĐB Phương nhắc đến là trong 5-6 năm qua, năm nay là năm có số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất (hơn 90 nghìn doanh nghiệp), số doanh nghiệp trở lại hoạt động cũng đạt con số cao. Điều này cũng phần nào minh chứng minh được niềm tin của người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thời gian tới, theo ĐB Phương, muốn tái cơ cấu nền kinh tế có hiệu quả cần phải nhìn thẳng vào khó khăn. Riêng năm 2017, cần xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn tại về tái cơ cấu mà những năm gần đây đặt ra mà chưa làm được.

ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cũng thẳng thắn: “30 năm Việt Nam tiến hành đổi mới, nhưng chúng ta chưa thoát ra được cái nhìn về nền kinh tế theo kế hoạch. Chúng ta vẫn đưa ra những con số đẹp, hoặc lấy chỉ tiêu làm trọng”.

ĐB Kiên ví dụ, chẳng hạn như chúng ta thường xem trọng chỉ tiêu số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số vốn doanh nghiệp đăng ký để đánh giá sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Nhưng, thực chất số doanh nghiệp này chưa đi vào hoạt động ngay, trong khi đó, con số cần xem xét là số bao nhiêu doanh nghiệp phát sinh nộp thuế. Con số này mới đánh giá được sức khỏe thực sự của doanh nghiệp.

Hoặc năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp của chúng ta tăng, nhưng xuất khẩu giảm, điều này có nghĩa là hàng quay vào nội địa nhiều hơn, xuất khẩu giảm. Do đó, theo ĐB Kiên, khi sang năm 2017, chỉ tiêu xuất khẩu cũng nên xem xét lại cho đúng thực chất.

“Chúng ta đánh giá kinh tế - xã hội cần sâu sắc hơn, nhìn thẳng vào sự thật, bỏ bớt bệnh thành tích, thì mới có tăng trưởng thực thụ. Như vậy, năm 2017, xác định tăng trưởng 6,2% hay 6,7% là quan trọng, nhưng không quyết định bằng chất lượng tăng trưởng và hài hòa giữa phát triển kinh tế- xã hội và tài chính ngân sách”, ĐB Nguyễn Đức Kiên nói thêm.

ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) bày tỏ băn khoăn: Năm nay không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, trong khi các cân đối của nền kinh tế lại xây dựng theo chỉ tiêu này. Do vậy, các chỉ tiêu về tài chính ngân sách đang tạo nhiều áp lực cho ngành Tài chính, các chỉ tiêu tương đối về thu chi ngân sách, nợ công, bội chi,... có thể bị ảnh hưởng. Do vậy, thời gian tới, cần phải có những biện pháp đột phá, có hiệu quả thực sự.

ĐB Phạm Phú Quốc, ĐB Trần Anh Tuấn (TP. HCM) cho rằng, phải có đột phá trong tái cơ cấu đầu cư công. Phải tập trung đầu tư, phát triển một vài đô thị thực sự phát triển mạnh để tạo sức lan tỏa, là bệ đỡ cho sự phát triển của cả một vùng cũng như cả nước. Không thể đầu tư dàn trải cho tất cả các địa phương.

ĐB Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) cũng tán thành 5 nội dung trọng tâm của tái cơ cấu. Phải đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, quyết liệt thoái vốn những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ để lấy vốn đầu tư cho phát triển, bởi đây là nguồn vốn lớn; đồng thời để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

“Cần cho phá sản những DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài, dù đau nhưng phải kiên quyết, tránh tình trạng chết rồi mà không chôn”, ĐB Đạt chia sẻ./.

Duy Thái