NCD

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên họp.

>> Năm 2018: GDP bình quân ước đạt hơn 2.540 USD/người

>> Khai mạc phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đây là đánh giá của Chính phủ về kết quả giữa kỳ thực hiện Nghị quyết 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Tín dụng tăng nhanh sẽ gây rủi ro cho kinh tế vĩ mô

Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/10, trong 22 nhóm chỉ tiêu được đặt ra tại Nghị quyết 24, có 9 chỉ tiêu đã hoàn thành; 8 chỉ tiêu có khả năng hoàn thành và 5 chỉ tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành. Như vậy, tới thời điểm hiện nay có 73% số mục tiêu đã hoàn thành hoặc dự kiến hoàn thành.

Nhìn chung, mô hình tăng trưởng đã bước đầu chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng. Chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện rõ rệt. Năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm.

Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của khai khoáng. Vai trò của khu vực tư nhân gia tăng, thể hiện qua tỷ trọng của khu vực này trong GDP cũng như đầu tư phát triển toàn xã hội.

Báo cáo của Chính phủ cũng đánh giá cụ thể về kết quả việc thực hiện 3 trọng tâm tái cơ cấu là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đầu tư công và tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, đối với cơ cấu lại DNNN, có 1 mục tiêu đã hoàn thành, 2 mục tiêu có khả năng hoàn thành và 6 mục tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành.

Cổ phần hóa và thoái vốn tại các DNNN đạt kết quả khá, thực hiện thoái vốn nhà nước thành công tại một số DNNN quy mô lớn. Một số DNNN yếu kém trở lại hoạt động. Số nhóm ngành, lĩnh vực Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giảm mạnh. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã được thành lập và chính thức hoạt động.

Về đầu tư công, đánh giá sơ bộ có 1 mục tiêu đã hoàn thành, 2 mục tiêu có khả năng hoàn thành và 4 mục tiêu cần có giải pháp thúc đẩy để hoàn thành.Các mục tiêu hoàn thành và có khả năng hoàn thành liên quan đến nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công, cắt giảm tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tuy nhiên, còn có một số mục tiêu khó hoàn thành, đặc biệt là mục tiêu nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công, trong đó có các vấn đề về thể chế lựa chọn dự án dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án và cơ chế giám sát đánh giá dự án. Tình trạng lãng phí, chất lượng công trình thấp chưa được giải quyết triệt để.

Đối với cơ cấu lại các ngân hàng, Chính phủ đánh giá có 1 mục tiêu đã hoàn thành, 2 mục tiêu có khả năng hoàn thành và 3 mục tiêu cần giải pháp thúc đẩy để hoàn thành. Việc xử lý nợ xấu tại các TCTD được thực hiện thực chất hơn, lãi suất cho vay trung bình giảm, dòng vốn tín dụng chuyển dịch nhiều hơn vào các ngành sản xuất.

Tuy nhiên, tình trạng sở hữu chéo tại một số TCTD chưa được giải quyết dứt điểm, tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các tập đoàn/tổng công ty nhà nước còn chậm. Tỷ lệ tín dụng cũng như tổng nợ trong nước so với GDP đã ở mức cao (159% GDP). Do vậy, nếu tốc độ tăng tín dụng tiếp tục tăng nhanh hơn đáng kể so với tốc độ tăng GDP, sẽ có rủi ro dẫn tới mất ổn định kinh tế vĩ mô.

77,4% chỉ tiêu dự kiến và có khả năng hoàn thành đến năm 2020

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao kết quả thực hiện một số mục tiêu chủ yếu về cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh đồng thời phải giải quyết những tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước và thực hiện cải cách, tìm kiếm động lực tăng trưởng cho giai đoạn sau năm 2020.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, trong số 5 nhóm mục tiêu được xác định tại Nghị quyết 24, có 4 nhóm mục tiêu liên quan đến cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) và đầu tư công, cải thiện chất lượng tăng trưởng và cơ cấu lại các TCTD, thị trường tài chính đạt kết quả khả quan.

Theo đó, 41% các chỉ tiêu được xác định tại Nghị quyết 24 dự kiến hoàn thành và 36,4% chỉ tiêu có khả năng hoàn thành đến năm 2020. Khoảng cách về năng lực cạnh tranh của nước ta so với bình quân các nước ASEAN-4 có bước thu hẹp, các chỉ tiêu về năng suất và đổi mới công nghệ đều hoàn thành hoặc vượt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, nhóm mục tiêu thứ 5 về cơ cấu lại DNNN, phát triển DN và hợp tác xã khó đạt được đến năm 2020 nếu không có giải pháp đẩy nhanh. Về phát triển DN, mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020 khó hoàn thành, đặc biệt khi việc phát triển DN vẫn tiềm ẩn một số khó khăn và số lượng DN chờ giải thể, phá sản tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2018.

Về cơ cấu lại DNNN, đến tháng 7/2018, các bộ, ngành, địa phương mới thực hiện thoái vốn tại 30/316 DN theo kế hoạch đề ra của năm 2017 và 2018. Thời gian tới, việc thoái vốn cần thực hiện thận trọng, trong đó bảo đảm tính đúng, tính đủ giá trị vốn nhà nước trong DN.

Ngoài ra, lãi suất cho vay trung bình của Việt Nam chưa được thu hẹp so với khu vực ASEAN-4, vẫn duy trì mức chênh lệch khoảng 1 - 2 điểm %. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá việc giữ ổn định được mặt bằng lãi suất như thời gian vừa qua là một thành công trong bối cảnh có nhiều yếu tố không thuận lợi cả trong và ngoài nước.

Khó hoàn thành tái cơ cấu DNNN, TCTD, đầu tư công trước năm 2019

Tán thành với đánh giá của Chính phủ về những tồn tại, vướng mắc khi triển khai kế hoạch tái cơ cấu, Ủy ban Kinh tế đặc biệt nhấn mạnh đến cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện một số nhiệm vụ như xử lý nợ xấu, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển giao vốn về SCIC, cơ cấu lại NSNN, thực hiện quá trình đô thị hóa.

Về thực hiện cơ cấu lại ba trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, DNNN và các TCTD, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất về kết quả đạt được và những bất cập được Chính phủ nêu. Từ năm 2016, quá trình cơ cấu lại 3 lĩnh vực này đã có những chuyển biến mang tính căn cơ so với giai đoạn trước.

Tuy nhiên, mục tiêu hoàn thành cơ cấu lại 3 lĩnh vực trên trước năm 2019 được Ủy ban Kinh tế nhận định là có thể khó đạt được. Đối với cơ cấu lại đầu tư công, những hạn chế liên quan đến việc triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn không đúng tiến độ, vượt dự toán sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững của kế hoạch vay, trả nợ công đến năm 2020.

Kết quả thực hiện cơ cấu lại DNNN mới chỉ là bước đầu, đòi hỏi tiếp tục quan tâm thực hiện các biện pháp nhằm tránh thất thoát vốn nhà nước, nâng cao tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện và phát triển DN sau cổ phần hóa.

Việc thực hiện cơ cấu lại các TCTD còn khó khăn trong thu hút nhà đầu tư tư nhân để tham gia xử lý các ngân hàng yếu kém; còn một số vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành để triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội./.

Hoàng Yến