Cần định hướng chính sách rất nhanh cho các tập đoàn lớn để phát triển nền tảng công nghệ cao.

Cần định hướng chính sách rất nhanh cho các tập đoàn lớn để phát triển nền tảng công nghệ cao.

Đây là quan điểm của PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam về những giải pháp và cơ hội để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

PV: Năm 2021, nền kinh tế của chúng ta vẫn đang khá chật vật trong nỗ lực đối phó với dịch Covid-19. Ông đánh giá thế nào về khả năng phục hồi của nền kinh tế?

PGS.TS Trần Đình Thiên

PGS.TS Trần Đình Thiên

PGS.TS Trần Đình Thiên: Nhìn ra thế giới, có thể thấy dù nhiều quốc gia chống dịch kém và tăng trưởng không tốt như ta nhưng họ vẫn sẽ bứt phá ngoạn mục sau dịch với nền tảng công nghệ tốt, sức khoẻ doanh nghiệp mạnh. Họ sẽ không chỉ đơn thuần là đứng dậy sau dịch mà là bứt phá sang hệ thống phát triển mới của nền kinh tế số.

Việt Nam có ưu điểm rất sáng tạo và linh hoạt, năng lực của Việt Nam rất đáng khuyến khích. Ngay khi đại dịch Covid-19 bùng phát là thương mại điện tử phát triển, xu hướng chuyển sang kinh tế số rất mạnh và ta lập tức có robot phục vụ trong bệnh viện. Tuy nhiên, năng lực của ta còn nhỏ bé, chưa phải ở tầm thế giới.

Các nền tảng của chúng ta còn yếu, doanh nghiệp nhỏ bé. Vì nhỏ bé nên dễ tránh bão hơn, nhưng nhỏ bé yếu ớt thì đứng dậy sẽ khó khăn. Những doanh nghiệp nhỏ bé trong khủng hoảng có thể không bị gãy đổ tương tự như cây cỏ không bị quật chết trong bão lốc nhưng rồi cũng chỉ là sống lại chứ không thể vươn cao như cây rừng đại ngàn.

Lúc này, việc phải bàn là nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng dậy thế nào, khi đang có thành tích phòng chống dịch bệnh đáng kể và cơ hội cải thiện năng lực, cơ hội hồi phục nền kinh tế theo cấu trúc mới, năng lực mới đang mở ra. Tôi cho rằng, đây sẽ là trách nhiệm, phần việc vô cùng nặng nề của nhiệm kỳ Chính phủ mới ngay trong năm nay.

PV: Vậy những việc chúng ta cần làm lúc này là gì để các DN có thể bật dậy mạnh mẽ, để nền kinh tế phục hồi theo cấu trúc mới, thưa ông?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Một lần nữa, tôi nhắc lại rằng khủng hoảng cũng mang tính sáng tạo, nên ta đừng bỏ phí một cuộc khủng hoảng. Khủng hoảng là sự phá hủy những thứ yếu kém, không cần thiết để chuyển sang cái mới. Và Covid-19 chính là cơ hội chuyển sang hệ thống công nghệ kinh tế số. Với những doanh nghiệp có sẵn nền tảng thì cơ hội bứt lên rất nhanh. Đây chính là cơ hội “thay máu” để nền kinh tế đi lên bằng cấu trúc mới.

Dòng máu mới này đến từ sự dịch chuyển của dòng vốn thế giới và cơ hội của Việt Nam, nơi được giới đầu tư đánh giá là địa điểm hút vốn; đến từ cơ hội tạo ra từ nhu cầu và tốc độ chuyển đổi số… Nhưng điều đáng bàn là chúng ta có năng lực để đón dòng máu mới mà nền kinh tế đang cần không?

Đánh thuế tài sản sẽ giảm được đầu cơ đất đai

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, không chỉ sửa Luật Đất đai là có thể giải quyết được các vấn đề của thị trường bất động sản. Đơn cử, để chống đầu cơ đất, cần đánh thuế lũy tiến tài sản. Với cách làm này, quỹ đất trên thị trường luôn có, thay vì hiện tại, cứ nắm được quy hoạch, ôm được đất là có lợi... Đánh thuế tài sản sẽ giảm được đầu cơ đất đai.

Trong lúc cả thế giới khó khăn mà FDI vào nhiều là tốt. Nhưng đây cũng là cơ hội ta cần tận dụng để tạo bộ lọc FDI. Nếu đón đúng thì có nhà đầu tư chất lượng, mang vốn lớn, công nghệ mới, ta phát triển. Còn nếu đón người không đúng, sẽ nhận vào công nghệ lạc hậu, phá huỷ môi trường, thâm dụng đất đai, tiêu tốn năng lượng thì hậu quả không chỉ thua thiệt về kinh tế mà còn làm mất đi cơ hội của các nhà đầu tư chất lượng cao và cả của doanh nghiệp trong nước.

Dòng máu mới cũng đến từ các doanh nghiệp của nền kinh tế số, của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây cũng là thời điểm các chính sách thể chế hóa Nghị quyết số 52/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phải được hoàn thiện, ban hành.

Cùng với đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động của Covid-19 năm nay cũng cần hướng vào doanh nghiệp trong những ngành, lĩnh vực, khu vực mà nền kinh tế cần để bứt phá nhanh, hỗ trợ doanh nghiệp định hướng công nghệ, tập đoàn lớn để thúc đẩy chuỗi sản xuất, từ đó tạo nên thay đổi về cấu trúc kinh tế, bên cạnh chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ về thuế, phí nói chung.

Lúc này để có công nghệ cao chắc chắn phải dành khuyến khích định hướng rõ ràng cho tập đoàn lớn vì họ đã có mục tiêu định hướng chuỗi, có năng lực tài chính mạnh. Cần định hướng chính sách rất nhanh cho các tập đoàn lớn để phát triển nền tảng công nghệ cao, bằng những chính sách khuyến khích phù hợp. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bài học cho Việt Nam là phải có hỗ trợ theo chuỗi kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo cấu trúc hiện đại.

PV: Về cải cách thể chế thì sao thưa ông? Đây là một trong ba đột phá chiến lược được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và cũng là vấn đề luôn được nhắc đến trong việc nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh tế?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Ba đột phá chiến lược mà nền kinh tế Việt Nam đã chọn thực hiện nhiều năm qua là thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên chưa lĩnh vực nào thực sự tạo được đột phá. Đặc biệt, thể chế hiện tại chưa tương xứng với cấu trúc của nền kinh tế số, với những đòi hỏi mới, phức tạp, đa dạng và có thể chưa lường hết các hoạt động, hình thức kinh doanh trên không gian mạng, an ninh mạng, các vấn đề về sở hữu trí tuệ, cơ chế bảo vệ sáng tạo...

Khía cạnh thể chế vốn rất phức tạp, đòi hỏi phải tạo ra một hệ thống bình thường gắn liền với cơ chế thị trường. Thực tế, có rất nhiều thứ phải làm, nhưng phải làm toàn diện, giải quyết được vấn đề gốc rễ chứ không chỉ sửa đổi lặt vặt, cơi nới.

Chẳng hạn như vấn đề Luật Đất đai, đã sửa 5 lần nhưng vẫn chưa ổn. Nhiệm kỳ vừa qua lại lỡ hẹn sửa Luật Đất đai vì lúng túng, chưa định hướng được cần sửa như thế nào. Đất đai là một nguồn lực, mà đã là nguồn lực thì bao giờ quyền tài sản cũng phải rất rõ ràng. Quan điểm của tôi là phải đặt rõ đất đai là nguồn lực, là tài sản thì phải xác định rõ quyền tài sản, quyền định giá tài sản... Ở một số địa phương, quỹ đất đón dự án lớn đang là vấn đề. Nhiều doanh nghiệp lớn bắt đầu tìm đến nhưng giá đất tăng cao đã khiến chi phí lớn, quyết định đầu tư khó khăn hơn.

Tuy nhiên, cũng không chỉ sửa Luật Đất đai là có thể giải quyết được các vấn đề của thị trường bất động sản. Đơn cử, để chống đầu cơ đất, cần đánh thuế lũy tiến tài sản. Với cách làm này, quỹ đất trên thị trường luôn có, thay vì hiện tại, cứ nắm được quy hoạch, ôm được đất là có lợi... Đánh thuế tài sản sẽ giảm được đầu cơ đất đai.

Rõ ràng, việc phải làm rất nhiều, rất khó, nhưng càng để chậm sẽ càng phức tạp, càng khó khăn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hoàn thiện hơn các thị trường nhân tố sản xuất

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, các thị trường nhân tố sản xuất cần được cải thiện về nhiều mặt theo hướng cởi mở, tự do hóa hơn nữa để mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn, đảm bảo sự công bằng về khả năng tiếp cận và lợi ích của đông đảo doanh nghiệp và người dân hơn. Đơn cử như khi thị trường đất đai phát triển, sẽ giải quyết được nguồn lực, nhân lên gấp bội nguồn lực quốc gia. Đơn cử khi một mảnh đất ruộng được công nhận là tài sản, có thể huy động nguồn lực gấp nhiều lần, nguồn lực ở đây không chỉ là tiền mà là vật liệu xây dựng, nhân lực và cả trí lực. Nguồn lực được nhân lên, khi đó tăng trưởng thêm 1 - 2% không phải là vấn đề cần phải tranh luận nhiều.

“Những vấn đề này phải được thảo luận nghiêm túc, càng sớm, càng tốt để các bước thực hiện ngay sau đây đảm bảo thống nhất về tư duy, hành động”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Dương An (thực hiện)