Gia Lai đẩy mạnh số hóa, cải cách hành chính để kinh tế phát triển bứt phá 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của Thủ đô vượt kịch bản đề ra

VN-Index phục hồi mạnh mẽ

Sáu tháng đầu năm 2025 chứng kiến một bức tranh kinh tế toàn cầu đầy biến động với hàng loạt cú sốc địa chính trị, thương mại và tiền tệ đan xen, tác động mạnh đến các thị trường tài chính quốc tế. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên – Trưởng phòng Khối Phân tích Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), những sự kiện như cuộc chiến thương mại leo thang, xung đột giữa Iran và Israel hay biến động giá dầu chỉ trong vài ngày đã tạo ra làn sóng dao động lớn trên thị trường hàng hóa và tài chính toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng với tăng trưởng ổn định, dòng vốn FDI mạnh mẽ và thị trường chứng khoán hồi phục tích cực sau giai đoạn tâm lý hoảng loạn vì các yếu tố từ bên ngoài.

Một trong những yếu tố gây chấn động thị trường Việt Nam đầu năm là thông tin Mỹ có thể áp thuế 46% lên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Điều này khiến VN-Index có thời điểm lao dốc, nhà đầu tư lo ngại về khả năng mất lợi thế cạnh tranh và làn sóng dịch chuyển dòng vốn. Tuy nhiên, tình thế nhanh chóng đảo chiều sau tín hiệu về thuế quan từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nội lực kinh tế là điểm tựa cho Việt Nam trong nửa cuối năm đầy biến động
Chỉ số VN-Index tiếp tục tăng lên mốc 1.415,46 điểm trong phiên ngày 8/7.

Nhận định về mức thuế quan, chuyên gia từ PHS cho rằng, mức thuế 20% là kết quả tích cực, phản ánh 3 yếu tố then chốt: tiến độ đàm phán chủ động, vị thế thương mại cao của Việt Nam trong quan hệ với Mỹ và lợi thế về tỷ giá. Trong khi USD suy yếu rõ rệt, đồng VNĐ giảm hơn 3%, giúp hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam giữ được tính cạnh tranh so với nhiều nền kinh tế châu Á khác.

“Mức thuế này không đủ lớn để khiến doanh nghiệp FDI rời bỏ Việt Nam, bởi chi phí thuế vẫn thấp hơn đáng kể so với chi phí tái định cư nhà máy sang nước khác” – bà Liên nhận định.

Chuyên gia từ PHFM cho rằng, nếu VNĐ tiếp tục mất giá, rủi ro về lạm phát nội địa sẽ tăng lên, trong khi dư địa để Ngân hàng Nhà nước nới lỏng tiền tệ sẽ bị thu hẹp. Thậm chí, trong một số kịch bản, việc tăng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ là điều có thể xảy ra.

Trên thực tế, các chỉ số vĩ mô và dòng vốn FDI đã phần nào chứng minh sức hút ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Tại cuộc họp Chính phủ ngày 2/7, GDP 6 tháng đầu năm được công bố tăng ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây, còn FDI đăng ký mới đạt hơn 21 tỷ USD – mức cao nhất kể từ năm 2009.

“Lạm phát được kiểm soát tốt, đầu tư công có bước tiến rõ nét và tiêu dùng nội địa giữ đà phục hồi tích cực. Tâm lý thị trường chứng khoán cũng phục hồi nhanh, đưa chỉ số VN-Index vượt mốc 1.400 điểm, phản ánh kỳ vọng tích cực của giới đầu tư cho giai đoạn cuối năm” – bà Liên nói.

Tuy nhiên, theo bà Hồ Thúy Ái – Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Phú Hưng (PHFM), bên cạnh những điểm sáng, có 2 diễn biến đáng chú ý là tỷ giá và độ rộng thực sự của thị trường. Đồng VNĐ đã giảm 3% so với USD trong nửa đầu năm, giúp xuất khẩu nhưng đồng thời làm gia tăng lo ngại từ phía Mỹ về tình trạng thâm hụt thương mại.

Yếu tố tỷ giá còn ảnh hưởng tới dòng vốn gián tiếp, đặc biệt là tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài – những người quan tâm đến khả năng quy đổi lợi nhuận khi repatriate dòng tiền. Khi đồng VNĐ suy yếu, tỷ suất đầu tư thực tế của họ bị bào mòn, dẫn đến việc dòng vốn gián tiếp có thể chững lại.

“Điều này khiến thị trường trong nước sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào dòng tiền nội địa, và làm nổi bật vai trò chọn lọc cổ phiếu. Dù chỉ số VN-Index có tăng mạnh, lợi nhuận thực tế của nhà đầu tư không tương xứng, do đà tăng chủ yếu tập trung vào một số cổ phiếu lớn như nhóm Vingroup, trong khi phần còn lại không có sự lan tỏa rõ rệt” – bà Ái phân tích.

Đầu tư công giữ vai trò dẫn dắt

Nhìn về 6 tháng cuối năm, bà Liên cho rằng, nền kinh tế toàn cầu vẫn trong trạng thái bất định khi các yếu tố địa chính trị, thương mại và chính sách tiền tệ tiếp tục chi phối mạnh mẽ triển vọng tăng trưởng. Những căng thẳng địa chính trị, dù ngắn hạn, vẫn tiềm ẩn nguy cơ leo thang thành xung đột lớn, trong khi kết quả đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ cùng các đối tác khác sẽ là yếu tố then chốt đối với hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện Việt Nam đang nắm lợi thế tạm thời với mức thuế rõ ràng từ Mỹ, song để giữ được vị thế, cần tiến triển thực chất hơn trong các cuộc đàm phán sắp tới.

Nội lực kinh tế là điểm tựa cho Việt Nam trong nửa cuối năm đầy biến động
Ảnh minh hoạ.

Dòng vốn toàn cầu đang có dấu hiệu dịch chuyển, khi USD suy yếu nhưng lợi suất trái phiếu Mỹ vẫn duy trì ở mức cao – một diễn biến bất thường cho thấy dòng tiền đang tìm đến những thị trường sinh lời tốt hơn như châu Á. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ toàn cầu lại phân hóa: nhiều ngân hàng trung ương bắt đầu hạ lãi suất, trong khi Fed vẫn giữ lãi suất cao và chưa phát tín hiệu nới lỏng, đi ngược kỳ vọng ban đầu.

“Chúng tôi kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất trong năm nay hiện chưa thành hiện thực do ảnh hưởng từ các yếu tố chính trị, đặc biệt là chiến lược khó đoán của cựu Tổng thống Donald Trump” – bà Liên cho hay.

Dù bối cảnh bên ngoài còn nhiều rủi ro, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì nền tảng ổn định với mức tăng trưởng GDP nửa đầu năm vượt kỳ vọng. Đầu tư công tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, đặc biệt sau đợt sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, được kỳ vọng sẽ tăng hiệu quả giải ngân trong thời gian tới. bà Liên đánh giá đây sẽ là động lực chính để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 7–8% trong nửa cuối năm.

Tiêu dùng nội địa cũng giữ được đà tăng trưởng tốt, giúp giảm phụ thuộc vào xuất khẩu vốn đang chững lại. Dù FDI đăng ký tiếp tục tăng, tiến độ giải ngân vẫn còn chậm do tâm lý chờ đợi kết quả đàm phán và rủi ro toàn cầu. Nếu đạt được thỏa thuận thương mại thuận lợi với Mỹ, Việt Nam có thể bước vào một chu kỳ tăng trưởng FDI mới.

Theo đánh giá của chuyên gia từ PHS, tín dụng trong nền kinh tế vẫn tăng trưởng chậm, làm hạn chế khả năng lan tỏa phục hồi. Theo đó, cần có giải pháp mạnh mẽ để khơi thông dòng vốn qua hệ thống ngân hàng và chính sách tài khóa linh hoạt. Đồng thời, ổn định tỷ giá sẽ là điều kiện then chốt giúp bảo đảm ổn định vĩ mô và duy trì sức hút với dòng vốn quốc tế.