Cải cách môi trường kinh doanh tiếp tục là động lực để tăng trưởng

Ngày 28/3 tại Hà Nội, kênh truyền hình Kinh tế tài chính VITV tổ chức chương trình tọa đàm, đối thoại với chủ đề: “Trợ lực để doanh nghiệp Việt vượt khó”.

Theo ban tổ chức, mặc dù nền kinh tế đạt một số kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua, nhưng nhìn chung vẫn đối diện nhiều bất lợi, thách thức đáng lo ngại, như chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu giảm sút. Đáng chú ý, số doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm rất mạnh, trong khi số rút lui khỏi thị trường tăng cao.

Theo số liệu thống kê, 2 tháng đầu năm 2023 số doanh nghiệp rút lui và tạm thời rút lui khỏi thị trường là 51,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có 25,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

TS. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng: “Số liệu thống kê cho thấy, lần đầu tiên trong lịch sử số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản. Tuy nhiên, với sự mở cửa của thị trường Trung Quốc và một vài điểm sáng trong nền kinh tế, tôi hy vọng quý I là điểm đáy của sự tăng trưởng hồi phục và cho những tín hiệu tích cực hơn vào cuối năm nay”.

Cơ hội với các doanh nghiệp Việt vẫn lớn, làm thế nào để tận dụng?
Quang cảnh buổi tọa đàm.

TS. Vũ Tiến Lộc dự báo, nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc… sẽ bắt đầu hồi phục trở lại dù vẫn còn yếu. Thời điểm 6 tháng cuối năm xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại. Bên cạnh đó, việc triển khai các chương trình phục hồi kinh tế có độ trễ, nhưng đầu tư công đang được đẩy mạnh. Đây sẽ là động lực để kéo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.

Ông Lộc khẳng định, so với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển nhờ vào đầu tư công. Nhìn nhận ở dài hạn, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là thị trường trong nước. Dư địa ở thể chế còn rất nhiều, nếu gỡ sớm được các thủ tục hành chính còn đang vướng mắc sẽ giúp tạo nguồn lực, khơi dậy hoạt động doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội cho việc huy động vốn ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong thời gian vừa qua, Chính phủ và các cơ quan quản lý cũng đã cho thấy sự thay đổi về quan điểm khi nhìn thẳng vào thực trạng khó khăn của các doanh nghiệp. Điều này được thể hiện qua các thông điệp “Chính phủ đồng hành, cảm thông, chia sẻ cùng doanh nghiệp” xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Ông Cung dự báo, khó khăn của nền kinh tế có thể tiếp tục kéo dài đến năm sau. Trong bối cảnh khó khăn nhất, cần thực hiện cải cách môi trường kinh doanh để tạo ra những thay đổi có tính bước ngoặt. Cải cách môi trường kinh doanh tiếp tục được coi như một chìa khoá để vượt qua giai đoạn này.

Doanh nghiệp hợp lực để cùng phát triển

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng Giám đốc Pwc cho biết, trong khảo sát mới nhất vừa công bố về khu vực châu Á và Việt Nam, các lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn cầu có những nhận định về triển vọng của năm 2023 không mấy tích cực. Riêng tại Việt Nam, triển vọng được nhận định tích cực hơn so với mặt bằng chung, nhưng chủ yếu tập trung vào mục tiêu ngắn hạn thay vì dài hạn để đầu tư. Điều này, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, bởi khi doanh nghiệp tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn, dài hạn sẽ không được đảm bảo trước các tác động từ xu hướng đầu tư toàn cầu.

Cơ hội với các doanh nghiệp Việt vẫn lớn, làm thế nào để tận dụng?
Doanh nghiệp cần có sự liên kết tạo động lực cùng nhau phát triển. Ảnh: T.L

Cũng theo bà Vân, cơ hội luôn song hành cùng thách thức, Việt Nam được cho là có nhiều tiềm năng để doanh nghiệp phát triển, tuy nhiên tiềm năng sẽ chỉ là tiềm năng nếu các doanh nghiệp không biết nắm bắt và chuyển thành động lực. Một trong những điều doanh nghiệp cần quan tâm trong giai đoạn hiện tại là vấn đề tái cơ cấu, quản trị doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư…, đặc biệt với 95% doanh nghiệp vừa nhỏ thì cần kết hợp với nhau tạo sức mạnh, tạo cơ hội để phát triển, tập trung vào những vấn đề cốt lõi.

Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết: "Cơ hội với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn lớn. Vấn đề là chúng ta biết tận dụng thời cơ. Một trong những câu chuyện hiện nay là xu hướng chuyển dịch đầu tư tăng trưởng xanh sang các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam".

Cũng theo ông Minh, rất nhiều nhà đầu tư châu Âu nhìn nhận Việt Nam là một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất. "Họ ấn tượng với những cam kết mà chúng ta thể hiện ở COP 26 và họ sẵn sàng dành nguồn lực hàng tỷ USD để đầu tư vào các hoạt động tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Tuy vậy, vấn đề là các chính sách đón đầu ở thị trường trong nước cần phải đủ để họ cảm thấy thực sự tin tưởng vào môi trường đầu tư thuận lợi tại Việt nam. Nếu không giải quyết những điểm nghẽn hiện tại, chúng ta có thể sẽ để lỡ cơ hội sang các quốc gia láng giềng" - ông Minh nói.

Còn theo ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, để phát triển các doanh nghiệp cần có sự hợp lực, liên kết, tập trung nguồn lực và phải cùng chung “ngôn ngữ”, cùng chung chí hướng, doanh nghiệp cần đưa ra những chuẩn mực hợp tác liên doanh liên kết để cùng nhau phát triển.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cần giải quyết tốt nhu cầu vay vốn, hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, hợp tác, liên kết trong sản xuất - kinh doanh kết hợp với triển khai chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ mới, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Đó là những giải pháp căn cơ tạo tiền đề cho sản xuất xanh để từ đó tiết kiệm chi phí đầu vào và phát triển bền vững.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến yêu cầu tập trung cải cách thể chế một cách toàn diện, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cơ quan chức năng cần rà soát liên tục, phát hiện vướng mắc của doanh nghiệp thay vì chờ doanh nghiệp phản ánh, đề xuất rồi mới họp, bàn cách tháo gỡ.