thoái vốn ngoài ngành

Hiện tại, còn gần 15,7 nghìn tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư vào 5 lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm cần phải thoái tiếp. Ảnh minh họa

Cụ thể theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2014 – 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái vốn vào 5 lĩnh vực nhạy cảm là hơn 25.218 tỷ đồng. Riêng năm 2014, số vốn các đơn vị đã thoái khỏi 5 lĩnh vực trên là 4.257,8 tỷ đồng, nhưng đã đầu tư thêm hơn 1.401 tỷ đồng.

Khoản đầu tư tăng thêm do các đơn vị ghi nhận cổ tức được chia bằng cổ phiếu, doanh nghiệp hạch toán tăng doanh thu hoạt động tài chính và tăng giá trị khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tương ứng với số tiền cổ tức được chia theo quy định tại Thông tư số 220/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.

Bước sang năm 2015, lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 11/2015, các đơn vị đã thoái được gần 5 nghìn tỷ đồng, thu về 4.636 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực chứng khoán thoái được hơn 156,4 tỷ đồng, thu về gần 145 tỷ đồng, do hai Tổng công ty là: Hàng hải và Xi măng thoái thấp hơn giá trị đầu tư.

Lĩnh vực ngân hàng tài chính thoái được 1.603 tỷ đồng, thu về hơn 852,2 tỷ đồng, do Tổng công ty Thuốc lá thoái thấp hơn giá trị đầu tư; Tập đoàn Dầu khí thoái 800 tỷ đồng và Tổng công ty Lương thực miền Nam thoái 1,364 tỷ đồng với giá 0 đồng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Ba lĩnh vực còn lại, bảo hiểm thoái được hơn 111,7 tỷ đồng, thu về hơn 135,1 tỷ đồng; bất động sản thoái được hơn 2.930 tỷ đồng, thu về gần 3.330,2 tỷ đồng; các quỹ đầu tư thoái được gần 174 tỷ đồng, thu về giá trị tương đương.

Như vậy, số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm cần phải thoái tiếp là 15.678,4 tỷ đồng, do một số đơn vị điều chỉnh lại đề án tái cơ cấu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên số phải thoái giảm gần 1.731 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực chứng khoán còn gần 118,2 tỷ đồng, lĩnh vực ngân hàng tài chính hơn 8.722 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm gần 546,5 tỷ đồng, lĩnh vực bất động sản gần 6.079 tỷ đồng và quỹ đầu tư là 212,1 tỷ đồng.

Cùng với đó, dự kiến năm 2015 cả nước sẽ cổ phần hóa được 210 doanh nghiệp, đưa số doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2011 – 2015 lên 459 doanh nghiệp, đạt khoảng 90% kế hoạch, còn 79 doanh nghiệp dự kiến sẽ được chuyển sang cổ phần hóa trong giai đoạn 2016 - 2020.

Cũng theo Bộ Tài chính, thời gian qua các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các cơ chế chính sách về tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện. Trên cơ sở các đề án đã được phê duyệt, các tập đoàn, tổng công ty đã tiến hành rà soát, phân loại, xác định danh mục ngành nghề, phạm vi kinh doanh chính, ngành nghề có liên quan và xây dựng kế hoạch cổ phần hóa. Một số tập đoàn và tổng công ty đã xây dựng, ban hành mới hoặc hoàn thiện hệ thống quy chế quản trị nội bộ, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành nhằm tinh giảm biên chế, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu, tiến độ cổ phần hóa DNNN và thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào 5 lĩnh vực nhạy cảm trong thời gian qua còn chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do tác động của kinh tế thế giới và trong nước khiến tỷ lệ bán cổ phần nhà nước thành công thấp.

Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội; còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa.

Ngoài ra, đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị./.

N.P