Cục Dự trữ Nhà Nước khu vực Nghĩa Bình: Đồng hành cùng các em học sinh vùng cao Tây Nguyên
Lãnh đạo Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình cùng với Ban Giám hiệu Trường THPT Hà Huy Tập kiểm tra chất lượng gạo giao tại Trường. Ảnh: Ngô Thị Hiền

Xuất kho, vận chuyển kịp thời

Ông Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Nghĩa Bình cho biết, theo Quyết định số 117/QĐ-TCDT ngày 27/2/2024 của Tổng cục DTNN về việc xuất gạo dự trữ quốc gia (DTQG) hỗ trợ học sinh học kỳ II năm học 2023 - 2024, đơn vị được giao nhiệm vụ xuất kho, vận chuyển và giao 807,995 tấn gạo DTQG để hỗ trợ học sinh hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Ban lãnh đạo Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh Kon Tum nhanh chóng triển khai kế hoạch, phương án và thời gian nhận gạo, đảm bảo kịp thời, an toàn, đúng quy định.

Ngay sau khi nhận được các quyết định phê duyệt số lượng học sinh được hỗ trợ gạo học kỳ II năm học 2023 - 2024 của 2 tỉnh (Quyết định số 78/QĐ-UBND ngày 13/3/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Quyết định số 123/QĐ-UBND ngày 17/3/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum), Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình đã yêu cầu các chi cục khẩn trương thực hiện xuất gạo DTQG theo quy định của Nhà nước.

Trong đó, từ ngày 6/4 đến 9/4, kho dự trữ Quy Nhơn thuộc Chi cục DTNN Quy Nhơn xuất cấp 325,59 tấn gạo, kho dự trữ Nhơn Hòa thuộc Chi cục DTNN Tây Sơn xuất cấp 180,105 tấn gạo để hỗ trợ 8.561 học sinh tiểu học và trung học cơ sở đang học tại trường dân tộc bán trú, tại các trường có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh là dân tộc thiểu số có bố mẹ, hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại vùng đặc biệt khó khăn... ở 16 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai.

Từ 9/4 đến 11/4, Kho dự trữ Nhơn Hòa thuộc Chi cục DTNN Tây Sơn xuất cấp 302,3 tấn gạo để hỗ trợ và 5.039 học sinh học kỳ II năm học 2023 - 2024 theo quy định của Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ ở 5 huyện (Đắk Hà, Kon Rẫy, Kon Plông, Sa Thầy, Ia H'Drai) của tỉnh Kon Tum.

Theo Cục trưởng Hoàng Anh Tuấn, để kịp thời nắm bắt tình hình việc xuất cấp, giao nhận, bảo quản, phân phối, cũng như số lượng và chất lượng gạo hỗ trợ, Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình đã thành lập Đoàn công tác trực tiếp đến các địa phương nhận hỗ trợ để kiểm tra thực tế.

Qua thực tế cho thấy, việc triển khai xuất kho, vận chuyển và giao nhận gạo đến các điểm trường được thực hiện rất kịp thời; gạo được giao đủ về số lượng, chất lượng tốt; các đơn vị tiếp nhận đã tổ chức tiếp nhận, chất xếp, bảo quản gạo nơi khô thoáng, có kế hoạch cấp phát đến học sinh thuộc đối tượng hỗ trợ nhanh chóng, đầy đủ, đúng quy định.

Duy trì chính sách hỗ trợ gạo dự trữ lâu dài

Xuất hơn 37.207 tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh  - Ảnh 1.

Tại điểm Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kong Chro, tỉnh Gia Lai), trao đổi với Đoàn công tác kiểm tra xuất cấp gạo cho học sinh của Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình, cô giáo Ngô Thị Tuyết Mai - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, trên địa bàn huyện Kong Chro chỉ có Trường THPT Hà Huy Tập là trường cấp THPT duy nhất, hiện nay số lượng học sinh đang học tại trường hơn 1.000 học sinh, trước đây khó khăn lớn nhất của nhà trường là việc động viên các em học sinh đi học, duy trì được sĩ số lớp trong năm học vì điều kiện kinh tế khó khăn các em khối 11, 12 phải bỏ học để lao động lo cái ăn cái mặc cho bản thân và phụ giúp gia đình rất nhiều.

"Từ khi Nghị định 116/2016-NĐ/CP ra đời, các em học sinh có nguồn hỗ trợ gạo là lương thực ổn định, liên tục, đồng thời được nhận thêm chi phí sinh hoạt, nên khó khăn trên dần được tháo gỡ. Việc cấp phát gạo cho học sinh từng đợt theo học kỳ rất thuận tiện cho các em sử dụng, bảo quản. Qua đó tạo điều kiện cho các em học sinh nhất là các em là người vùng cao, dân tộc thiểu số bám trường, bám lớp, nâng cao chất lượng dạy và học tại trường" - cô giáo Ngô Thị Tuyết Mai chia sẻ.

Đến với Trường tiểu học HRa số 2 (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), cô giáo Hà Thị Minh Châu - Hiệu trưởng nhà trường thể hiện rõ sự phấn khởi của thầy và trò khi nhận được gạo hỗ trợ của Chính phủ.

Cô Châu chia sẻ: “Từ khi nhận được nguồn gạo hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ, sĩ số các lớp tại trường không bị giảm và còn tăng lên, không còn tình trạng học sinh bỏ học. Nguồn gạo hỗ trợ được cấp phát ổn định theo từng học kỳ, số lượng đầy đủ, chất lượng tốt. Chúng tôi mong sao chính sách này được duy trì lâu dài để các vùng khó khăn đỡ vất vả, con em có điều kiện vươn lên”.

Bên cạnh niềm vui, phấn khởi của thầy trò khi nhận được gạo hỗ trợ, Đoàn công tác cũng nhận được nhiều trăn trở, chia sẻ của thầy cô tại các điểm trường với mong muốn được Chính phủ quan tâm mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ tại Nghị định 116. Hiện nay, các buôn làng xung quanh Trường (trong phạm vi bán kính ≤ 4 Km) có nhiều hộ gia đình kinh tế rất khó khăn không có điều kiện cho con em đến trường, tuy khoảng cách không xa, nhưng địa hình đồi dốc hiểm trở, đi lại khó khăn thậm chí rất nguy hiểm vào mùa mưa đặc biệt là đối với các em học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở. Các đối tượng này rất mong muốn sự hỗ trợ của chính phủ, điều đó chính là nguồn động viên to lớn và có ý nghĩa đối với người dân địa phương...

Hoàn thành xuất cấp hơn 2.540 tấn gạo

Đến ngày 17/4/2024, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghĩa Bình đã hoàn thành xuất kho, vận chuyển, giao nhận hơn 2.540 tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ học sinh 5 tỉnh (Bình Định, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắc) học kỳ I năm học 2023 - 2024, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, đúng thời gian và địa điểm theo quy định, đảm bảo thủ tục và an toàn về mọi mặt.