Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng (thứ ba bên phải sang) chia sẻ thông tin đề án Tạo thuận lợi thương mại

Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng (thứ ba bên phải sang) chia sẻ thông tin đề án Tạo thuận lợi thương mại và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái (quận 2, TP. Hồ Chí Minh).

Chia sẻ lý do chọn cảng Cát Lái (quận 2, TP. Hồ Chí Minh) là nơi thực hiện đề án cải cách này với phóng viên TBTCVN, bên lề hội thảo về tạo thuận lợi thương mại vừa mới diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, ông Đinh Ngọc Thắng – Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, cảng Cát Lái hiện có lưu lượng hàng hóa được đánh giá là đứng thứ 20 trên thế giới, với khoảng 15 nghìn container/ngày, chiếm 80% thị phần khu vực phía Nam. Hàng hóa từ đây sẽ tỏa đi khắp đất nước, kể cả những nước xung quanh như Lào, Campuchia, Thái Lan. Cảng có diện tích 200 ha, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm, nhưng lại luôn có những thời điểm ùn tắc cục bộ trong ngày.

Chính vì vậy mà Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Tài chính, của Tổng cục Hải quan về những vấn đề, giải pháp tạo thuận lợi thương mại nâng cao chỉ số cạnh tranh quốc gia, các dịch vụ logistics… đã mạnh dạn lựa chọn cảng Cát Lái là cảng lớn nhất, có đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật. Nếu giải quyết được “bài toán” giảm ùn tắc ở đây, thì có thể làm bài học kinh nghiệm cho các cảng khu vực phía Nam và cả kinh nghiệm cho các địa phương khác về vấn đề này, gia tăng lưu lượng hàng hóa thông quan qua cảng.

Ông Đinh Ngọc Thắng
Ông Đinh Ngọc Thắng

* PV: Logistics đang là điểm yếu trong các tiêu chuẩn xét duyệt xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Theo ông, đề án nếu thành công sẽ góp phần nâng cao hình ảnh logistics của Việt Nam?

- Ông Đinh Ngọc Thắng: Đó là điều chắc chắn. Trong các phần lợi ích mang lại của dự án, ở giai đoạn đầu, chúng tôi chọn khoảng 200 DN để thực hiện thí điểm; sau đó tiến tới khoảng 1.000 DN và xa hơn nữa là thêm nhiều DN khác. Hiện nay, việc bố trí, sắp xếp của khu vực cảng có nhiều hạn chế, mặc dù cơ quan hải quan đã thực hiện nhiều giải pháp cải cách như hải quan điện tử, quản lý theo phương thức rủi ro. Theo đó, hàng hóa vào luồng xanh hay luồng vàng có thể được thông quan ngay, nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Chúng tôi bố trí như vậy và luôn hướng đến vấn đề quan trọng hơn như chi phí, cơ hội của DN, lớn hơn nữa là năng lực cạnh tranh quốc gia. Làm sao khi nói đến lĩnh vực logistics, Việt Nam sẽ là điểm đến của các nước Đông Nam Á và xa hơn nữa là các nước châu Á. Do vậy, chúng tôi kỳ vọng đề án sẽ là điểm tốt và đem lại nhiều tiện ích cho DN. Trong đó, cụ thể nhất là các DN xuất nhập khẩu và kinh doanh cảng.

* PV: Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của đề án trong bối cảnh cả nước đang trong giai đoạn hội nhập mạnh với quốc tế như hiện nay?

- Ông Đinh Ngọc Thắng: Việt Nam hiện là nước đang được các tổ chức quốc tế đánh giá có tốc độ phát triển nhanh. Tôi nghĩ rằng, ở tầm cơ sở như chúng tôi nếu thực hiện tốt thì các địa phương, các sở, ban, ngành cùng thực hiện sẽ càng tốt hơn. Tôi chắc chắn rằng trong những năm tới, việc hội nhập kinh tế của đất nước cũng như việc đánh giá của các tổ chức thương mại thế giới là chính xác.

* PV: Đề án tạo thuận lợi thương mại giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục, giảm chi phí đi lại, giảm ùn tắc, nâng cao mức độ hài lòng và năng lực cạnh tranh cho DN, qua đó tạo nguồn thu nộp ngân sách ổn định trên địa bàn. Theo ông, cần phải làm gì để đề án mau chóng thể hiện được những lợi ích vừa nêu?

- Ông Đinh Ngọc Thắng: Người xưa có câu: “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Theo quan điểm của tôi, hợp tác và cộng tác sẽ là yếu tố quyết định cho sự phát triển. Do vậy, trong một chuỗi dịch vụ cung ứng logistics, để có điều kiện thông quan hàng hóa nhanh thì ngoài chức năng là một đơn vị cơ quan quản lý nhà nước, là trục chính, cần có sự vào cuộc của các ban, ngành, mà trực tiếp là các đơn vị kinh doanh cảng, đơn vị logistics, đặc biệt là cơ quan quản lý chuyên ngành.

Chính phủ hiện nay đã nhìn nhận được những khó khăn đó nên đã có những chỉ đạo và giao nhiệm vụ quản lý chuyên ngành cho ngành Hải quan. Một khi đã nhận dạng và đánh giá được thì sẽ chủ động trong vấn đề xây dựng hệ thống pháp luật, cơ sở hạ tầng, con người… để giảm tối đa trong vấn đề quản lý chuyên ngành. Bởi đây là mắt xích, là điểm nghẽn trong thông quan hàng hóa lâu nay.

Tựu chung lại, để thành công đối với dự án tạo thuận lợi thương mại như cơ quan hải quan đề ra, tôi nghĩ cần sự vào cuộc của cả hệ thống, mà cụ thể ở đây là các bên gồm cơ quan hải quan, đơn vị kinh doanh cảng, đơn vị xuất nhập khẩu, các đại lý logistics, cơ quan quản lý chuyên ngành và kể cả các ban, ngành khác.

* PV: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Tổng cục Hải quan, UBND TP. Hồ Chí Minh và cộng đồng DN xây dựng nhiều chương trình, giải pháp tạo thuận lợi thương mại trên địa bàn. Ông có thể chia sẻ vài điểm nhấn của công tác này thời gian qua không, thưa ông?

- Ông Đinh Ngọc Thắng: Cùng với thực hiện cải cách hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2026, với các chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi đã nhận dạng và đưa ra 3 đề án chính. Đó là đề án chống ùn tắc tại cảng Cát Lái như đã trình bày. Kế đến là Hệ thống quản trị tập trung tại Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và Kế hoạch cơ quan hải quan đồng hành cùng DN phát triển. Đó là 3 trục đang được chúng tôi xây dựng, liên thông nhau nhằm giúp cơ quan quản lý, kể cả DN và các đối tác khác đều phải công khai minh bạch trong các giao dịch, bởi tất cả thể hiện trên hệ thống điện tử.

Điều này sẽ sớm trở thành hiện thực và tôi cũng kêu gọi báo chí nên có kênh đánh giá, góp ý trên tinh thần là cầu thị không cầu toàn của Hải quan TP. Hồ Chí Minh.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Để thành công đối với dự án tạo thuận lợi thương mại như cơ quan hải quan đề ra, tôi nghĩ cần sự vào cuộc của cả hệ thống, mà cụ thể ở đây là các bên gồm cơ quan hải quan, đơn vị kinh doanh cảng, đơn vị xuất nhập khẩu, các đại lý logistics, cơ quan quản lý chuyên ngành và kể cả các ban ngành khác.

Đỗ Doãn (thực hiện)