Dẫn đầu danh sách nợ thuế Cục Thuế Ninh Bình vừa công khai là Công ty TNHH Trung Linh Phát nợ trên 195 tỷ đồng.
Công ty Trung Linh Phát có trụ sở tại Ninh Bình, là một trong các thương nhân đầu mối xăng dầu được Bộ Công Thương cấp phép năm 2021. Dù có hoạt động kinh doanh, buôn bán xăng dầu ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhưng đây cũng là doanh nghiệp từng nợ thuế lớn lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Công ty TNHH Trung Linh Phát nợ thuế lớn nhất số tiền trên 195 tỷ đồng. Ảnh: TL |
Không chỉ nợ thuế, Công ty TNHH Trung Linh Phát còn ôm hơn 26 tỷ đồng tiền quỹ bình ổn xăng dầu đang nắm giữ chưa nộp lại. Thực hiện quy định của pháp luật, Thanh tra Bộ Tài chính đã ban hành quyết định về việc xử lý vi phạm hành chính và 19 quyết định về việc cưỡng chế khấu trừ tiền từ 33 tài khoản của công ty này. Lý do công ty này không tự nguyện chấp hành quyết định vi phạm hành chính đã được Thanh tra Bộ Tài chính ban hành trước đó.
Tiếp theo danh sách nợ thuế là Công ty CP Viết Thành nợ trên 117 tỷ đồng; Công ty TNHH Trung Linh Phát - Chi nhánh Ninh Bình nợ trên 28 tỷ đồng; Công ty CP - Tổng công ty Đầu tư phát triển khu công nghiệp Phúc Lộc nợ trên 26 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Hùng Vương nợ trên 12,7 tỷ đồng.
Công ty CP xuất nhập khẩu Phúc Lộc nợ 12,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Hải Chung nợ trên 9,6 tỷ đồng; Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Ninh Bình nợ trên 7,1 tỷ đồng; Công ty CP xây dựng Thủy Lợi Ninh Bình nợ trên 5,4 tỷ đồng…
Đại diện Cục Thuế Ninh Bình cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và UBND tỉnh Ninh Bình trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế trên địa bàn, cục thuế đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đầy đủ các giải pháp theo quy định của pháp luật.
Cùng đó, Cục Thuế Ninh Bình đã giao chỉ tiêu thu nợ, xử lý nợ đọng thuế hàng tháng; gắn trách nhiệm thu nợ cụ thể đối với từng người nộp thuế nợ thuế cho từng lãnh đạo từ cục thuế, các chi cục thuế, lãnh đạo các phòng cho đến từng công chức quản lý nợ do đơn vị quản lý.
Đồng thời, Cục Thuế Ninh Bình cũng tổ chức theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế tiền thuế nợ, tiến độ thu nợ, xử lý nợ hàng ngày để đảm bảo việc thực hiện chỉ tiêu thu nợ, xử lý nợ.
Kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với từng người nộp thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Rà soát các trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh để áp dụng các biện pháp cưỡng chế và thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế theo quy định.
Cùng với việc kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, Cục Thuế Ninh Bình đã thực hiện biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn đối với các đơn vị, doanh nghiệp nợ thuế. Đồng thời, áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác như: thu hồi giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh; đề nghị tạm hoãn xuất cảnh người đại diện theo pháp luật của công ty, doanh nghiệp; dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu./.