Đặc biệt, Nghị định số 03 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức Thanh tra tài chính; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức thanh tra toàn ngành Tài chính.

Chuẩn bị kỹ lưỡng để "khởi động" cơ quan thanh tra kho bạc Tăng cường sức mạnh của thanh tra toàn ngành Tài chính, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao Thêm 4 đơn vị được giao chức năng thanh tra chuyên ngành Tài chính

Quy định chi tiết về tổ chức thanh tra

Cho biết kỹ hơn về Nghị định 03, báo cáo từ Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, nghị định này được ban hành nhằm quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Thanh tra năm 2022 như: Thanh tra tổng cục, cục được thành lập tại tổng cục, cục thuộc bộ; thanh tra sở; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) .

Nghị định được áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN; chánh thanh tra bộ, chánh thanh tra tổng cục thuộc bộ; trưởng đoàn TTCN, thành viên đoàn TTCN; đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan…

Về tổ chức thanh tra bộ và thanh tra tổng cục thuộc bộ có chánh thanh tra, phó chánh thanh tra, thanh tra viên và công chức khác. Cơ quan được giao thực hiện chức năng chức năng TTCN thì không thành lập cơ quan thanh tra. Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN giao nhiệm vụ tham mưu về công tác TTCN cho đơn vị trực thuộc.

Củng cố, kiện toàn tổ chức thanh tra ngành Tài chính theo quy định mới
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Như vậy, Luật Thanh tra năm 2022 ra đời, cùng với 2 nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật đã góp phần nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước, thủ trưởng các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và đội ngũ thanh tra viên trong công tác thanh tra; bảo đảm hoạt động thanh tra có hiệu lực, hiệu quả hơn.

Các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra có cơ sở pháp lý cụ thể hơn để thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Trình tự, thủ tục thanh tra được quy định cụ thể, chặt chẽ, đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác thanh tra tại các bộ, ngành, địa phương.

Các quy định mới cũng góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra hàng năm giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra.

Mặt khác, Luật Thanh tra năm 2022 đã luật hóa trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, tạo sự thống nhất trong áp dụng thực hiện; nâng cao trách nhiệm của những người tiến hành thanh tra, trước hết là của người ban hành quyết định thanh tra và trưởng đoàn thanh tra. Từ đó tạo sự chuyển biến về chất đối với công tác thanh tra, khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thanh tra, chậm báo cáo kết quả thanh tra, chậm ban hành kết luận thanh tra.

Đặc biệt, với sự ra đời của Nghị định 03 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Bộ Tài chính tiến hành rà soát, củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức Thanh tra tài chính.

11 đơn vị được giao thực hiện thanh tra chuyên ngành

Bộ Tài chính có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách, nên cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý rộng khắp cả nước. Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính có quy mô lớn, số lượng cán bộ công chức đông và rộng khắp các địa bàn trong cả nước như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước (KBNN).

Để đáp ứng yêu cầu đặt ra, Bộ Tài chính đã cử lãnh đạo, cán bộ Thanh tra Bộ tham gia, bám sát quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Thanh tra năm 2022; kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ đề xuất về tổ chức, hoạt động thanh tra tại Bộ Tài chính theo quan điểm tăng cường phân cấp, phân quyền; kiện toàn tổ chức thanh tra tài chính ngày càng lớn mạnh, toàn diện.

Củng cố, kiện toàn tổ chức thanh tra ngành Tài chính theo quy định mới
Cán bộ thanh tra chuyên ngành kho bạc đang thực hiện đọc kết luận thanh tra tại đơn vị sử dụng ngân sách.

Hiện nay, theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định 03, có 4 cơ quan thanh tra thuộc Bộ Tài chính gồm: Thanh tra Bộ Tài chính; Thanh tra KBNN; Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Thanh tra Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Có 7 cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN cấp tổng cục, cục thuộc Bộ gồm: Tổng cục Thuế; Tổng cục Hải quan; Cục quản lý, giám sát bảo hiểm; Cục Quản lý công sản; Cục Quản lý giá; Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí; Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán. Có các cục thuộc 4 tổng cục được giao thực hiện chức năng TTCN gồm: cục hải quan, cục thuế, cục dự trữ nhà nước, KBNN tỉnh và cấp chi cục được giao theo luật chuyên ngành.

Như vậy, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra thuộc Bộ Tài chính đã có thay đổi. Các đơn vị được giao chức năng TTCN chuyển thành cơ quan thanh tra là: KBNN, Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Các đơn vị mới được giao chức năng TTCN là: Cục Quản lý công sản; Cục Quản lý giá; Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí; Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, đưa tổng số các đơn vị thuộc Bộ Tài chính thực hiện chức năng TTCN lên thành 11 đơn vị, góp phần tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác thanh tra theo đúng quan điểm của Bộ Tài chính.

ÔNG NGUYỄN TÂN THỊNH - CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ CÔNG SẢN (BỘ TÀI CHÍNH):

Sẵn sàng thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

Củng cố, kiện toàn tổ chức thanh tra ngành Tài chính theo quy định mới

Triển khai Luật Thanh tra năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN. Trong đó, Cục Quản lý công sản (QLCS) - Bộ Tài chính là một trong các cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN.

Vì vậy, để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, Cục đã sớm triển khai các công việc chuẩn bị cho việc tổ chức công tác TTCN. Đồng thời Cục QLCS đang phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ hoàn thiện bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Cục để bảo đảm triển khai tốt nhiệm vụ mới được giao.

Trong thời gian tới, Cục QLCS dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp với Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính để tổ chức hội nghị tập huấn về công tác thanh tra cũng như phổ biến các nội dung của Nghị định số 03/2024/NĐ-CP cho toàn thể cán bộ, công chức của Cục Quản lý công sản; tiếp tục cử cán bộ tham dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra do Trường cán bộ thanh tra tổ chức để bảo đảm điều kiện tổ chức các Đoàn thanh tra.

Tô Thục(ghi)

ÔNG VŨ ĐỨC CHÍNH - CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ GIÁM SÁT KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN (BỘ TÀI CHÍNH):

Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra có tâm, có tầm

Củng cố, kiện toàn tổ chức thanh tra ngành Tài chính theo quy định mới

Theo Nghị định số 03/2024/NĐ-CP của Chính phủ, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng TTCN trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập. Đây là nhiệm vụ mới nên Cục đang thực hiện các công việc liên quan để sắp xếp, kiện toàn bộ máy, ổn định đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra.

Ngoài ra Cục sẽ phối hợp với thanh tra tài chính, các đơn vị có chức năng thanh tra khác để thống nhất về phạm vi, đối tượng thực hiện TTCN trong các lĩnh vực khác nhau về quy trình thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Cục tiếp tục đề xuất với Bộ Tài chính về việc tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ hiện có và tăng cường, bổ sung cán bộ mới có kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Song song với các hoạt động này, Cục sẽ tiếp tục quan tâm đến việc tăng cường công tác giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức để xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh, có tâm, có tầm, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới.

Tô Ngọc (ghi)

ÔNG ĐINH MẠNH TUẤN - VỤ TRƯỞNG VỤ THANH TRA, KIỂM TRA (KHO BẠC NHÀ NƯỚC):

Chuẩn bị kỹ lưỡng để "khởi động" cơ quan thanh tra kho bạc

Củng cố, kiện toàn tổ chức thanh tra ngành Tài chính theo quy định mới

Theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định 03 của Chính phủ, Vụ Thanh tra - Kiểm tra Kho bạc Nhà nước (KBNN) được chuyển đổi từ bộ phận tham mưu công tác thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN thành cơ quan thanh tra KBNN.

Để đáp ứng các điều kiện theo quy định mới, đảm bảo đầy đủ hành lang pháp lý giúp Thanh tra KBNN thực hiện nhiệm vụ, hiện tại, KBNN đang đưa ra kế hoạch cụ thể từ sắp xếp lại bộ máy đến đào tạo nguồn nhân lực.

KBNN sắp xếp, tổ chức bộ máy Thanh tra KBNN theo 4 phòng: Phòng Tổng hợp, Phòng Thanh tra, Phòng Kiểm tra - Giám sát và Phòng Xử lý sau thanh tra. Đồng thời, Vụ Thanh tra - Kiểm tra KBNN đã cử công chức đi học các lớp do Trường Cán bộ Thanh tra Chính phủ tổ chức để đáp ứng điều kiện bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2022, đảm bảo đủ điều kiện xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và bổ nhiệm vào các vị trí việc làm theo quy định tại Thông tư số 01/2013/ TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành thanh tra.

Thanh Ngọc (ghi)