Chuẩn bị kỹ lưỡng để
Công chức Phòng Kế toán nhà nước, Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa trao đổi nghiệp vụ. Ảnh tư liệu

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực

Tại Điều 16 Nghị định số 03/2024/NĐ-CP (Nghị định số 03) của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Kho bạc Nhà nước (KBNN).

Theo đó, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra KBNN; nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra KBNN; tổ chức, hoạt động của Thanh tra KBNN được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra; Nghị định số 03 và quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc thành lập Thanh tra KBNN phải bảo đảm đáp ứng các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế, pháp luật về thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan. Thanh tra KBNN có con dấu và tài khoản riêng.

Kho bạc Nhà nước lên kế hoạch cụ thể

Để đáp ứng các điều kiện theo quy định mới, đảm bảo đầy đủ hành lang pháp lý giúp Thanh tra KBNN hoạt động theo Luật Thanh tra và nghị định mới, KBNN đang đưa ra kế hoạch cụ thể từ sắp xếp lại bộ máy đến đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Đinh Mạnh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra KBNN cho biết, để đáp ứng các điều kiện theo quy định mới, đảm bảo đầy đủ hành lang pháp lý giúp Thanh tra KBNN thực hiện nhiệm vụ, hiện tại, KBNN đang đưa ra kế hoạch cụ thể từ sắp xếp lại bộ máy đến đào tạo nguồn nhân lực.

KBNN sắp xếp, tổ chức bộ máy Thanh tra KBNN theo 4 phòng: Phòng Tổng hợp, Phòng Thanh tra, Phòng Kiểm tra - Giám sát và Phòng Xử lý sau thanh tra. Đồng thời, Vụ Thanh tra - Kiểm tra KBNN đã cử công chức đi học các lớp do Trường Cán bộ Thanh tra Chính phủ tổ chức để đáp ứng điều kiện bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2022, đảm bảo đủ điều kiện xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và bổ nhiệm vào các vị trí việc làm theo quy định tại Thông tư số 01/2013/ TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành thanh tra.

KBNN đã đăng ký kế hoạch đào tạo năm 2024 và cử 35 công chức đi học lớp thanh tra viên. Trước mắt đã có 12 công chức của Vụ Thanh tra - Kiểm tra theo học. Đồng thời, KBNN đang chuẩn bị xây dựng, dự thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn hệ thống KBNN thực hiện nhiệm vụ TTCN.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Mặc dù đã đưa ra kế hoạch cụ thể để thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ mới, nhưng theo ông Đinh Mạnh Tuấn, trong quá trình triển khai vẫn có một số khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như chưa có đủ hành lang pháp lý để Thanh tra KBNN thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 03 trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thay thế Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN trực thuộc Bộ Tài chính. Bên cạnh đó là khó khăn trong việc xây dựng, tổng hợp, trình duyệt, điều chỉnh kế hoạch thanh tra hàng năm.

Theo quy định tại Điều 45 Luật Thanh tra năm 2022 và Điều 23 Nghị định số 03, chậm nhất ngày 1/11 hàng năm, cục thuộc tổng cục gửi dự thảo kế hoạch thanh tra của cơ quan mình đến thanh tra tổng cục; chậm nhất ngày 10/11 hàng năm, tổng cục gửi dự thảo kế hoạch thanh tra của cơ quan mình đến Thanh tra Bộ Tài chính để tổng hợp vào kế hoạch thanh tra.

Theo đó, kế hoạch thanh tra hàng năm của các KBNN tỉnh phải gửi đến KBNN trước ngày 1/11 hàng năm, KBNN tổng hợp gửi đến Thanh tra Bộ Tài chính trước ngày 10/11 hàng năm, Thanh tra Bộ Tài chính tổng hợp và trình Bộ trưởng phê duyệt trước ngày 30/11 hàng năm, Bộ trưởng ban hành kế hoạch thanh tra trước ngày 20/12 hàng năm. Khác với quy định trước đây là Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch thanh tra của KBNN, Tổng giám đốc KBNN phê duyệt kế hoạch thanh tra của KBNN tỉnh.

Theo ông Tuấn, quy định này khi triển khai làm tăng khối lượng hồ sơ tài liệu, quy trình, thủ tục, thời gian, đồng thời gây khó khăn trong công tác tổng hợp kế hoạch thanh tra của các đơn vị thuộc và trực thuộc, đặc biệt các hệ thống dọc từ trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó cũng gây khó khăn trong công tác điều chỉnh kế hoạch thanh tra nếu có chồng chéo, trùng lặp. Ngoài ra là những khó khăn vướng mắc trong việc tiến hành cuộc thanh tra trong thời gian chưa ban hành thông tư của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn một số quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.

Hiện tại, Thanh tra Chính phủ đang dự thảo thông tư hướng dẫn một số quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra và đang lấy ý kiến tham gia của các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, trong thời gian chưa ban hành thông tư thay thế Thông tư 06/2021/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra (Thông tư số 06), hệ thống thanh tra KBNN vẫn đang tham khảo các quy định tại Thông tư số 06 để thực hiện các cuộc TTCN theo kế hoạch thanh tra năm 2024 đã được Bộ trưởng phê duyệt (những nội dung không trái với Luật Thanh tra năm 2022 và các nghị định hướng dẫn).

Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra KBNN cho biết, từ những khó khăn, vướng mắc này, KBNN đang kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm ban hành quyết định thay thế Quyết định số 26/2015/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để Thanh tra KBNN có đủ hành lang pháp lý thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

Đồng thời, KBNN đã kiến nghị trình Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục ủy quyền cho Tổng giám đốc KBNN ký thừa ủy quyền phê duyệt kế hoạch TTCN của KBNN tỉnh hàng năm, đồng thời ủy quyền cho Tổng giám đốc KBNN ký thừa ủy quyền điều chỉnh kế hoạch TTCN của KBNN tỉnh (Bộ trưởng đã ủy quyền cho Tổng giám đốc KBNN ký thừa ủy quyền ban hành kế hoạch TTCN của KBNN tỉnh năm 2024)./.