Trao đổi thông tin để phát hiện, ngăn ngừa vi phạm pháp luật lĩnh vực tài chính
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Thực hiện 14.623 cuộc thanh tra, kiểm tra

Về công tác thanh tra hành chính, Bộ Tài chính cho biết, trong quý I/2024, đơn vị đã lưu hành 2 kết luận thanh tra từ năm trước chuyển sang. Qua thanh tra đã kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trên 8,7 tỷ đồng, trong đó, kiến nghị nộp NSNN trên 5,8 tỷ đồng; xử lý khác về kinh tế trên 2,8 tỷ đồng.

Đồng thời, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 185 cuộc kiểm tra nội bộ. Qua kiểm tra đã phát hiện, kiến nghị và thu nộp về NSNN 25,4 triệu đồng; kiến nghị chấn chỉnh, xử lý kiểm điểm trách nhiệm theo quy định.

Điều chỉnh kế hoạch để tránh chồng chéo

Để nguồn NSNN được chi tiêu hợp lý, không bị thất thoát, lãng phí, trong thời gian tới, Thanh tra Bộ Tài chính tiếp tục bám sát các hoạt động TTKT của các đơn vị được giao chức năng TTCN, từ đó nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, tham gia ý kiến để các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đồng thời, Thanh tra Bộ Tài chính sẽ phối hợp rà soát, kịp thời điều chỉnh kế hoạch TTKT để tránh chồng chéo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp.

Về công tác thanh tra chuyên ngành (TTCN), Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng TTCN thuộc Bộ đã thực hiện 14.623 cuộc thanh tra, kiểm tra (TTKT), trong đó có 14.504 cuộc theo kế hoạch và 119 cuộc đột xuất. Đồng thời, tiến hành kiểm tra 185.352 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 2.475 vụ.

Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng TTCN trực thuộc đã kiến nghị xử lý tài chính trên 14.630 tỷ đồng. Trong đó, kiến nghị thu hồi nộp NSNN gần 3.675 tỷ đồng, nộp đơn vị tổ chức 7 triệu đồng; kiến nghị tài chính khác trên 10.955 tỷ đồng; ban hành 12.857 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 941 tỷ đồng; tiến hành khởi tố 3 vụ vi phạm và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 18 vụ vi phạm.

Các đơn vị được TTKT đã thực hiện kiến nghị với tổng số tiền gần 2.602 tỷ đồng (trong đó, thu nộp NSNN trên 2.601 tỷ đồng, thu về tổ chức đơn vị 15 triệu đồng); xử phạt vi phạm hành chính là trên 69,8 tỷ đồng và xử lý tài chính khác 152,4 triệu đồng.

Cải cách, hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra

Đánh giá về kết quả TTKT của ngành Tài chính trong quý I vừa qua, ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, bên cạnh những ưu điểm thì vẫn còn tồn tại cần khắc phục.

Về ưu điểm, ông Trường cho biết, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ thực hiện quy định về công tác TTKT, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ. Các đoàn thanh tra đều chấp hành đúng quy định về trình tự, thủ tục; thành viên đoàn TTKT đều chấp hành nghiêm kỷ luật và quy chế. Nội dung TTKT có trọng tâm, trọng điểm; các cuộc TTKT đột xuất đã hoàn thành đúng tiến độ, kết quả đáp ứng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Qua TTKT, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng TTCN đã xử lý nghiêm theo quy định các sai phạm trong công tác quản lý tài chính ngân sách; góp phần chống thất thu NSNN, đồng thời phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách về quản lý tài chính đối với các ngành, lĩnh vực.

Trao đổi thông tin để phát hiện, ngăn ngừa vi phạm pháp luật lĩnh vực tài chính
Ảnh minh họa

Các đơn vị được giao chức năng thanh tra đã thực hiện đầy đủ quy chế giám sát hoạt động đoàn thanh tra; tổ giám sát đoàn thanh tra hoạt động đúng quy định, có hiệu quả, giúp cho việc chấp hành các quy định, quy trình, quy chế đoàn thanh tra được nâng cao; kỷ cương, kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ được tăng cường; không sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra.

Tuy nhiên, theo Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TTKT vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Đơn cử như một số cuộc thanh tra còn chậm lưu hành kết luận thanh tra có nguyên nhân xuất phát từ một số nội dung kết luận và kiến nghị xử lý phức tạp, cần xin ý kiến tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính, dẫn đến kéo dài thời gian ban hành kết luận.

Đưa ra phương hướng, nhiệm vụ TTKT trong thời gian tới, ông Trần Huy Trường cho biết, toàn ngành Tài chính tiếp tục bám sát, nắm bắt thông tin để tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch TTKT năm 2024 đã được phê duyệt; đồng thời đảm bảo lực lượng dự phòng đối với các cuộc TTKT đột xuất. Chủ động thông báo kế hoạch TTKT năm 2024 cho các đối tượng TTKT; xây dựng kế hoạch chi tiết, tiến hành nắm tình hình ngay từ đầu năm 2024. Đảm bảo các cuộc thanh tra thực hiện đúng quy định của Luật Thanh tra.

Ngoài việc đảm bảo hoạt động giám sát đoàn thanh tra theo đúng quy định của của Thanh tra Chính phủ để đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình TTKT, toàn ngành sẽ tiếp tục tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để, từ đó có kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục.

Đặc biệt, Bộ Tài chính tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong ngành và giữa Bộ Tài chính với các cơ quan chức năng khác như cơ quan cảnh sát điều tra, Ngân hàng Nhà nước... nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy và các chất gây nghiện.

Ngoài ra, toàn ngành Tài chính sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác TTKT; tăng cường các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích, phân loại đối tượng nộp thuế, kê khai hải quan theo mức độ rủi ro nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng, qua đó tăng cường TTKT để chống các hành vi gian lận; hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thông tin phục vụ TTKT ngành Tài chính.

Thu về ngân sách hàng nghìn tỷ đồng qua thanh tra chuyên ngành

Trong quý I/2024, các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) thuộc Bộ Tài chính đã làm rất tốt công tác TTCN và đã thu về cho NSNN hàng trăm tỷ đồng từ thanh tra, kiểm tra (TTKT).

Cụ thể, toàn hệ thống Thuế đã thực hiện 14.593 cuộc TTKT; kiểm tra 185.352 hồ sơ khai thuế. Số tiền kiến nghị xử lý qua TTKT trên 12.788,8 tỷ đồng, ban hành 12.820 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 937,8 tỷ đồng. Số tiền đã nộp NSNN (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính) trên 2.640 tỷ đồng.

Qua TTCN, toàn hệ thống hải quan đã phát hiện và kiến nghị truy thu trên 131,7 tỷ đồng; ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt trên 1,3 tỷ đồng. Số tiền đã nộp NSNN (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính) trên 8 tỷ đồng.

Đối với hệ thống KBNN, trong quý I/2024 đã thực hiện 11 cuộc TTCN; đã ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 47,1 triệu đồng; kiến nghị xử lý về kinh tế với tổng số tiền vi phạm 684,3 triệu đồng (trong đó, thu về NSNN 699 triệu đồng; thu về tổ chức, đơn vị 15,3 triệu đồng); số tiền vi phạm đã xử lý khác 152,4 triệu đồng.

Trong quý I/2024, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chấn chỉnh kịp thời những tồn tại để các đơn vị hoàn thiện tốt hơn công tác quản lý hàng dự trữ. Đơn vị cũng kiến nghị xử lý vi phạm về tài chính và thu nộp NSNN 165 triệu đồng.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 tổ chức trong quý I/2024. Số tiền phạt thu về cho NSNN trên 1,5 tỷ đồng.