Dự hội nghị có ông Trần Đăng Vinh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ; ông Trần Văn Long - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, cùng lãnh đạo Thanh tra Bộ Tài chính và lãnh đạo các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, Luật Thanh tra năm 2022 ra đời đã góp phần nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước, thủ trưởng các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và đội ngũ thanh tra viên trong công tác thanh tra; bảo đảm hoạt động thanh tra có hiệu lực, hiệu quả hơn; các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra có cơ sở pháp lý cụ thể hơn để thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Trình tự, thủ tục thanh tra được quy định cụ thể, chặt chẽ, đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác thanh tra tại các bộ, ngành, địa phương.

Tăng cường sức mạnh của thanh tra toàn ngành Tài chính, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao
Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Hạnh Thảo

Trên cơ sở quy định của Luật Thanh tra năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra. Đồng thời, ngày 11/1/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN.

Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, đề nghị lãnh đạo các đơn vị quan tâm, chỉ đạo để toàn thể cán bộ, công chức được giao thực hiện chức năng TTCN; công chức của cơ quan, đơn vị dự kiến được giao nhiệm vụ tham mưu về công tác thanh tra thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật và áp dụng kinh nghiệm tại một số lĩnh vực mà Thanh tra Bộ Tài chính đã trao đổi để nâng cao chất lượng công tác TTCN tài chính. Từ đó, tạo nên sức mạnh của thanh tra toàn ngành Tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ ngày càng cao theo chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ Tài chính.

Theo đó Bộ Tài chính có 5 tổng cục, 5 cục được giao thực hiện chức năng TTCN, trong đó có sự thay đổi so với Luật Thanh tra năm 2010 như: Kho bạc Nhà nước và Tổng cục Dự trữ Nhà nước được thành lập cơ quan thanh tra tổng cục; đồng thời bổ sung thêm 4 cục thuộc bộ được giao thực hiện chức năng TTCN gồm: Cục Quản lý công sản; Cục Quản lý giá; Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí; Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán.

Như vậy, các đơn vị được giao thực hiện chức năng TTCN có nhiều thay đổi về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của đơn vị mình nên công tác triển khai thanh tra còn nhiều lúng túng, bỡ ngỡ khi bước đầu thực hiện các quy định mới của Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Theo ông Trường, đa số các đơn vị hiện nay còn vướng mắc, khó khăn trong tổ chức nhiệm vụ được giao như: trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; tiêu chuẩn đối với trưởng đoàn thanh tra, trang phục, thẻ thanh tra, TTCN…

Tăng cường sức mạnh của thanh tra toàn ngành Tài chính, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao
Trần Đăng Vinh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hạnh Thảo

Ông Trường cho biết, hội nghị tập huấn, trao đổi này có ý nghĩa quan trọng và cần thiết, nhằm giúp các đơn vị được giao thực hiện chức năng TTCN; cơ quan, đơn vị dự kiến được giao nhiệm vụ tham mưu về công tác thanh tra kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật các quy định mới của Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Tăng cường sức mạnh của thanh tra toàn ngành Tài chính, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: H.T

Hội nghị cũng chia sẻ những vướng mắc khi thực hiện nhiệm vụ, đồng thời trao đổi kinh nghiệm trong một số lĩnh vực quan trong như: quy trình pháp luật, quy chế của Bộ Tài chính và kinh nghiệm thực tiễn về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quy định trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trao đổi một số kinh nghiệm trong công tac kiểm soát tài sản, thu nhập; trao đổi các quy định liên quan việc xử phạt vi phạm hành chính.

Tại Hội nghị, các báo cáo viên đã trình bày 4 chuyên đề gồm:

- Giới thiệu Luật Thanh tra số 11/2022/QH15, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.

- Một số quy định về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và quy chế phối hợp tại Bộ Tài chính.

- Phổ biến một số quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng; trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm soát tài sản thu nhập.

- Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính.

Tại hội nghị, Trần Đăng Vinh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, Luật Thanh tra năm 2022 đã có những quy định thay đổi rất lớn cả về tổ chức và hoạt động cho công tác thanh tra kiểm tra. Do đó, Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ giới thiệu những điểm mới về văn bản quy phạm pháp luật hiện nay từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra đến tổ chức thực hiện, giám sát hoạt động thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra, thực hiện kết luận thanh tra cũng như quy trình biểu mẫu thực hiện.

Đồng thời, ông Vinh cũng cho biết, hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang xây dựng hàng loạt thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra bao gồm thông tư hướng dẫn, ban hành kế hoạch thanh tra, thẻ thanh tra, trình tự thủ tục, trang phục, hồ sơ thanh tra..., đặc biệt là thông tư hướng dẫn trình tự thủ tục 1 cuộc thanh tra đảm bảo tránh chồng chéo, hạn chế bỏ sót, phù hợp thực tiễn đặc điểm từng lĩnh vực thanh tra.