Tiền xả mạnh qua thị trường mở

Trong tuần qua, NHNN duy trì đợt mua tín phiếu qua thị trường mở. Tuy nhiên, cơ quan này trong 3 ngày cuối tuần đã thực hiện hoạt động mua tín phiếu khối lượng khá lớn.

Cụ thể trong phiên ngày 23/4, NHNN đã mua vào lượng tín phiếu rất lớn, với giá trị lên tới gần 36 nghìn tỷ đồng và tiếp tục mua vào lượng tín phiếu trị giá 25 nghìn tỷ đồng trong phiên 25/4.

Cũng với động thái tương tự, phiên ngày 26/4 ghi nhận lượng mua vào tín phiếu hơn 23 nghìn tỷ đồng. Lãi suất mua tín phiếu trong 3 phiên vừa qua là 4,25%, cao hơn so với mức khoảng 4% trong một số phiên mua tín phiếu giai đoạn trước. Tuy nhiên, kỳ hạn tín phiếu mua vào trong 3 phiên gần đây dài gấp đôi các kỳ hạn tín phiếu mua trong một số phiên trước.

Ngân hàng Nhà nước xả mạnh tiền qua thị trường mở, vàng miếng SJC ế trên sàn đấu thầu
Sự kiện chuyển đổi số năm nay sẽ diễn ra ngày 8/5. Ảnh: C.T

Khởi động ngày chuyển đổi số

Tuần qua, NHNN đã công bố sự kiện ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng, dự kiến sẽ diễn ra 8/5/2024 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội).

Tiếp nối năm 2023, sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 nhằm lan tỏa những kết quả trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, cũng như đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chủ đề năm nay là “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” - có sự tiếp nối với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng – động lực thúc đẩy chuyển đổi số” của Ngày Chuyển đổi số ngân hàng năm 2023.

Diễn biến về hoạt động thanh toán đầu năm 2024

NHNN cho biết, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số trong 2 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 tiếp tục đạt tỷ lệ tăng trưởng khá.

Giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng 59,6% về số lượng và 32,73% về giá trị; qua kênh internet tăng tương ứng 51,60% và 23,88%; qua kênh điện thoại di động tăng 63,24% và 33,43%; qua phương thức QR code tăng 846,41% và 1.146,14%; qua POS tăng 2,53% và 3,56%.

Ông Nguyễn Hưng Nguyên - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, với tốc độ tăng trưởng nhanh của các giao dịch thanh toán điện tử như hiện nay khoảng 20%/năm, thì nhiệm vụ quan trọng của NAPAS chính là đảm bảo hệ thống hạ tầng thanh toán quốc gia được an toàn, ổn định và thông suốt. Song song với đó là việc đảm bảo chi phí xử lý giao dịch thấp nhất có thể, qua đó cung cấp nền tảng thanh toán góp phần phổ cập tài chính toàn diện.

Ngoài ra, theo ông Nguyên, NAPAS đang phối hợp triển khai hạ tầng thanh toán, cho phép người dân có thể sử dụng tất cả các dịch vụ thanh toán hiện nay gồm thẻ, tài khoản, VietQR để thanh toán các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia và ứng dụng VNeID do Bộ Công an xây dựng và quản lý. Đến nay, NAPAS đã triển khai thí điểm 1 số dịch vụ, trong đó có dịch vụ thanh toán trực tuyến phí/lệ phí cấp lý lịch tư pháp cho người dân.

Sàn đấu thầu vàng ế khách

Tuần qua NHNN đã tái khởi động các phiên đấu thầu vàng sau 11 năm nhưng bầu không khí các phiên đấu thầu khá nguội lạnh.

Phiên đầu tiên dự kiến tổ chức đấu thầu là ngày 22/4 đã phải hủy do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định. Tuy nhiên, NHNN vẫn tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu vào ngày 23/4.

Kết quả phiên đấu thầu ngày 23/4 đã diễn ra thành công với 3.400 lượng vàng trúng thầu với giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng. Mặc dù vậy, các số liệu cho thấy chỉ có 2 thành viên trúng thầu và số lượng vàng bán được trong phiên này chỉ đạt tỷ lệ khoảng hơn 20% tổng khối lượng vàng dự kiến đưa ra đấu thầu. Tiếp đó, phiên đấu thầu dự kiến diễn ra ngày 25/4 cũng bị hủy thầu do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Hoạt động tổ chức đấu thầu vàng của NHNN được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 06/2013/TT-NHNN ngày 12/3/2013 của Thống đốc NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước và Quyết định 563/QĐ-NHNN của NHNN ngày 18/3/2013 về quy trình mua, bán vàng miếng.

Ngân hàng Nhà nước xả mạnh tiền qua thị trường mở, vàng miếng SJC ế trên sàn đấu thầu
Vàng miếng SJC ế trên sàn đấu giá, nhưng lại nóng lên ngoài thị trường. Ảnh: T.L

Các thành viên phải đặt cọc 10% tổng giá trị dự thầu. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng vàng), khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 20 lô (tương đương 2.000 lượng vàng).

Trái ngược với không khí ế ẩm trên sàn đấu thầu, diễn biến ngoài thị trường cho thấy vàng miếng lại có động thái “nhảy múa” bật tăng vào cuối tuần. Tại thời điểm chiều ngày 26/4, vàng miếng SJC mua vào ở mức 83 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 85,2 triệu đồng/lượng.

Tỷ giá tại ngân hàng lắng dịu

Sau động thái can thiện bán ngoại tệ của NHNN, sức nóng của tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đã có phần lắng dịu hơn. Tỷ giá bán ra tại Vietcombank mở đầu tuần mới hôm thứ hai ngày 22/4 ghi nhận ở mức 25.485 đồng/USD, tăng 12 đồng mỗi USD so với cuối tuần trước, nhưng sau đó giảm dần trong tuần và kết thúc tuần ở mức 25.458 đồng/USD, giảm 27 đồng mỗi USD so với hôm đầu tuần và giảm 15 đồng mỗi USD so với cuối tuần trước.

Về quyết định bán ngoại tệ can thiệp tỷ giá, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, thời gian qua, tỷ giá liên tục tăng nóng, thậm chí tăng kịch trần trong nhiều phiên gần đây. Theo đó, NHNN công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0.

Đây là biện pháp rất mạnh mẽ của NHNN nhằm đảm bảo giải tỏa tâm lý thị trường, đảm bảo nguồn cung thị trường, nguồn cung ngoại tệ thông suốt, đảm bảo đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.

Chỉ số DXY tạm hạ nhiệt

Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng Đô la Mỹ cũng đã có phần hạ nhiệt hơn sau một chu kỳ tăng nóng. Tại thời điểm chiều ngày 26/4, chỉ số DXY chỉ còn khoảng hơn 105,5 điểm, giảm khoảng 1 điểm so với vùng đỉnh thiết lập trong giai đoạn khoảng hơn 1 tuần trước đây.