Mục tiêu cao nhất là minh bạch, chuyên nghiệp

Chia sẻ tại Lễ Công bố 10 sự kiện chứng khoán năm 2021 do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức ngày 28/12/2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính là cơ quan được Đảng và Nhà nước, Chính phủ phân công để chỉ đạo, tổ chức xây dựng những chính sách, quản lý, giám sát thị trường. Theo đó, cơ quan quản lý, tổ chức thành viên thị trường, nhà đầu tư, xã hội và cả truyền thông phải cùng “nắm tay nhau” để tiếp tục đưa thị trường phát triển một cách ổn định bền vững với mục tiêu cao nhất là minh bạch chuyên nghiệp rõ ràng và mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.

Cùng
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại sự kiện

“Với tinh thần trách nhiệm từ Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các thành viên thị trường… chúng ta có quyền kỳ vọng và tin tưởng năm 2022, thị trường sẽ tiếp tục phát triển ổn định bền vững, công khai, minh bạch và minh bạch hơn nữa. Nếu phát sinh những vẫn đề rủi ro, khó khăn cho thị trường, cơ quan quản lý sẽ chủ động có giải pháp cụ thể để giảm thiểu rủi ro, thị trường chứng khoán (TTCK) trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng sẽ phát triển liên tục, an toàn, ổn định và bền vững” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước (UBCKNN) cho biết, trong năm 2020 và năm 2021, ngân hàng trung ương các nước đồng loạt giảm lãi suất và các gói kích thích kinh tế được tung ra. Việc TTCK tăng quy mô và tăng thanh khoản diễn ra trên cả thế giới. TTCK Mỹ cũng ghi nhận nhiều kỷ lục. Năm 2021 dự kiến TTCK Việt Nam có thêm khoảng 1,5 triệu tài khoản mở mới. Theo đánh giá của cơ quan quản lý chất lượng tài khoản mở mới tăng cao hơn cả về quy mô giao dịch và giá trị.

Cùng
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước

“Để thị trường phát triển bền vững thời gian tới UBCKNN cũng trình Bộ Tài chính chiến lược phát triển 10 năm. Trước đây, chúng ta tập trung phát triển quy mô sản phẩm, thời gian tới sẽ tập trung phát triển về chất lượng, bền vững nhiều hơn” - ông Dũng cho hay.

Theo bà Tạ Thanh Bình – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN, sự kỳ vọng vào sức bật của nền kinh tế sau khủng hoảng do Covid-19 là cách nhìn chung, xu thế chung của nhà đầu tư chứng khoán trên toàn cầu, không chỉ riêng ở thị trường Việt Nam.

Tính đến ngày 27/12, giá trị tăng trưởng của thị trường Mỹ - một trong những TTCK lớn nhất trên thế giới, đang ở mức suýt soát 28%. Tốc độ tăng trưởng của thị trường Việt Nam chúng ta có phần cao hơn, đạt gần 35%. Các thị trường khác tại châu Âu, châu Á đều có sự tăng trưởng tương tự. Như vậy, rõ ràng tốc độ tăng trưởng của các TTCK mặc dù nền kinh tế bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch là xu thế chung và không có gì bất thường ở đó.

Thêm vào đó, con số huy động vốn của TTCK năm 2021 là rất lớn. Thống kê trong 11 tháng đầu năm, giá trị huy động vốn đã tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua việc phát hành cổ phiếu, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá, cổ phần hóa đã tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020.

Rõ ràng, việc doanh nghiệp huy động vốn là để chuẩn bị cho sự đầu tư mới, sự tăng trưởng mạnh trong tương lai. Điều này tiềm ẩn, dự báo trước sự tăng trưởng rất mạnh sau khủng hoảng kinh tế.

Ngoài ra, sự tăng trưởng của các doanh nghiệp, của thị giá cổ phiếu đã làm cho quy mô, vốn hóa thị trường đạt con số gần 143% GDP, xấp xỉ quy mô tín dụng ngân hàng năm 2020 là 146% GDP. Điều này cho thấy TTCK ngày càng trở thành 1 kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.

Theo Báo cáo tài chính quý III/2021, có tới 80% số doanh nghiệp trên thị trường đang kinh doanh có lãi. Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều tăng với mức tăng bình quân đạt lần lượt 15,7% và 33,4%. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp có nền tảng cho sự tăng trưởng chứ không đi quá xa so với giá trị thực của doanh nghiệp

Sự phát triển của chỉ số tập trung 6 lĩnh vực

Chia sẻ về thị trường chứng khoán năm 2021, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho hay, có điểm 3 bình thường và 3 điểm bất thường trên thị trường chứng khoán năm 2021.

Cụ thể, ba điểm bình thường gồm: Chứng khoán lập nhiều kỷ lục năm 2021, trong bối cảnh nền kinh tế lập kỷ lục về tốc độ tăng trưởng GDP âm trong quý III. Tuy nhiên, thời gian qua dòng vốn rẻ nhiều, tiền rẻ trên thế giới cũng như Việt Nam. Việt Nam có vốn rẻ từ 3 nguồn, đâu đó có phần hỗ trợ Chính phủ; tiền gửi từ ngân hàng sang chứng khoán đầu tư; lãi suất thấp toàn cầu chính vì thế cho vay kinh doanh chứng khoán, margin tăng trưởng tích cực tốt.

Ngoài ra, sức cầu đầu tư vào thị trường chứng khoán nhiều. Dịch bệnh khiến kinh doanh khó khăn nhà đầu tư cá nhân tổ chức chuyển hướng.

Thứ hai là giãn cách xã hội do dịch Covid-19, khiến câu chuyện kinh doanh trực tuyến trở nên phổ biến.

Thứ ba là tương quan bất động sản và chứng khoán nhiều nhà đầu tư bất động sản chốt lời tốt sang đầu tư chứng khoán đặc biệt cuối kỳ cuối năm. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới phục hồi khả quan tăng 5,6 - 5,9%. Nền tảng doanh nghiệp, theo dõi số liệu về tài chính năm nay tương đối tốt, đa số lợi nhuận doanh nghiệp tăng 20 - 23% dẫn đến việc thị trường tăng trưởng, lợi nhuận tích cực. Hệ số P/E là 17 lần chứ không phải 25 - 23 lần.

Đối với ba điểm không bình thường, theo ông Cấn Văn Lực, đó là: Thứ nhất, rõ ràng thị trường tăng nóng vì so toàn cầu, năm ngoái toàn cầu GDP âm 3,1% nhưng dòng vốn rẻ nhiều lý do nữa toàn cầu chứng khoán vẫn tăng 14%. Riêng năm nay toàn cầu phục hồi tốt kinh tế tăng trưởng 5,6% nhưng chỉ số chứng khoán tăng 20%.

So sánh với Philipines, năm nay khả năng họ phục hồi và tăng trưởng tốt nhưng chứng khoán tăng 2%, trong khi chúng ta là 35% dù kinh tế phục hồi tương tự như họ.

Do đó, chứng khoán có phần hơi nóng và hơi lệch pha với kinh tế thực, thậm chí cả năm nay tăng ở mức 2,2 - 3% nhưng chứng khoán tăng 35%. Chỉ số bớt nhạy cảm hơn với tin nóng cũng đặt ra câu hỏi phải chăng sự lệch pha nóng.

Thứ hai, có hiện tượng tâm lý đám đông, nhiều doanh nghiệp làm ăn không tốt, nhưng giá cổ phiếu lên nhanh do phát hành cổ phiếu, trái phiếu thành công.

“Cuối cùng, tính thiếu bền vững, chỉ số chúng ta năm nay đến thời điểm hiện tại 35% tập trung 6 lĩnh vực, ngân hàng, bất động sản, thực phẩm, tài nguyên cơ bản, vật liệu xây dựng và dịch vụ tài chính. 6 lĩnh vực này chiếm 77% vốn hoá thị trường. Nếu như một trong 6 lĩnh vực có vấn đề thị trường cũng sẽ khó khăn” - ông Lực phân tích./.