nông sản, thực phẩm

Nguồn: Sở Giao thông vận tải Hà Nội. ồ họa: Hồng Vân

Địa phương vào cuộc bình ổn thị trường

Thời gian qua, thị trường hàng hóa miền Bắc và miền Trung ổn định trong những ngày giãn cách xã hội. Tình hình thị trường, lưu thông hàng hóa ổn định, đáp ứng nhu cầu người dân, không có hiện tượng giá tăng đột biến gây bất ổn thị trường.

Tại Hà Nội thời điểm thực hiện giãn cách tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi giãn cách, Hà Nội có 27 chợ, 5 siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa. Tuy nhiên, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã duyệt cấp mã QR code đăng ký “luồng xanh” cho hơn 2.000 xe ô tô và cấp mã số xác nhận cho 9.869 xe mô tô, xe 2 bánh cho 250 doanh nghiệp, đơn vị cung cấp hàng hóa thiết yếu được lưu thông. Ngoài các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống Vinmart, Co.op, Big C, Circle K…, tại Hà Nội đã có 472 điểm bán hàng thiết yếu. 11 quận, huyện đã triển khai 57 điểm bán hàng lưu động. Như vậy, các doanh nghiệp, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã tích cực duy trì và mở thêm các điểm bán hàng cố định, lưu động nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân.

TP. Đà Nẵng thời điểm cuối tháng 8/2021 có hiện tượng quá tải trong việc cung ứng hàng hóa do nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm bị giảm trong khi nhu cầu đặt hàng tăng cao. Nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các đơn vị phân phối bị hạn chế do phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch; các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa… đang dừng hoạt động. Trước tình hình trên, thành phố đã cho phép các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối được bố trí tối đa (100% số người làm việc), cho phép những người tham gia hoạt động giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ được hoạt động. Nhờ đó, tình hình cung ứng hàng hóa đã ổn định trở lại và đáp ứng nhu cầu người dân.

Những ngày giãn cách, TP. Hồ Chí Minh đã kịp thời nắm bắt thông tin và lên kế hoạch chuẩn bị đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ nhân dân, ứng phó theo các kịch bản phòng chống dịch Covid-19. Cung ứng hàng hóa vẫn đảm bảo đầy đủ cho người dân thông qua hoạt động của các chợ, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi…

Với sự chủ động vào cuộc, nhìn chung, tình hình giá cả thị trường tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách trong thời gian qua vẫn được ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân, không có hiện tượng giá tăng đột biến gây bất ổn thị trường.

Vẫn đảm bảo cung ứng hàng sau thời gian giãn cách

Đến thời điểm này, nhiều địa phương đã bắt đầu thực hiện nới lỏng giãn cách, đưa nền kinh tế dần dần trở lại trạng thái “bình thường mới”. Sau những tháng bị đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19, nhiều chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố lớn đã chính thức hoạt động trở lại. Với những điểm trung chuyển hàng hóa lớn như vậy, sẽ đảm bảo tối đa nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân.

Nguồn cung về nông sản, thực phẩm dồi dào

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy nguồn cung về nông sản, thực phẩm đảm bảo trong năm nay. Theo ước tính của bộ này, năm 2021 cả nước khoảng 995.000 hecta rau (tăng 20.000 hecta so với năm 2020), sản lượng đạt 18,5 triệu tấn, ngoài đảm bảo nhu cầu trong nước, còn dư 4 triệu tấn tính vào lượng rau thất thoát sau thu hoạch và sử dụng cho các mục đích khác. Về chăn nuôi, cả nước có khả năng cung ứng khoảng 15 tỷ quả trứng, gần 6 triệu tấn thịt các loại, 43,3 triệu tấn thóc, vừa đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước, vừa dư để xuất khẩu.

Như tại Hà Nội, sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, qua khảo sát cho thấy thực phẩm, rau xanh nhiều loại có giá cả bình ổn, nhiều mặt hàng có xu hướng giảm. Nguyên nhân là do nguồn cung dồi dào, sức mua chậm bởi các bếp ăn tập thể tại trường học, nhà máy đóng cửa, hệ thống nhiều nhà hàng cũng đang thực hiện giãn cách. Ngoài ra, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa gần đây đã được cải thiện nhiều hơn, do đó, hàng hóa dồi dào, giữ giá cả ổn định.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy nguồn cung về nông sản, thực phẩm đảm bảo trong năm nay. Theo ước tính của bộ này, năm 2021 cả nước khoảng 995.000 hecta rau (tăng 20.000 hecta so với năm 2020), sản lượng đạt 18,5 triệu tấn, ngoài đảm bảo nhu cầu trong nước, còn dư 4 triệu tấn tính vào lượng rau thất thoát sau thu hoạch và sử dụng cho các mục đích khác. Về chăn nuôi, cả nước có khả năng cung ứng khoảng 15 tỷ quả trứng, gần 6 triệu tấn thịt các loại, 43,3 triệu tấn thóc, vừa đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước, vừa dư để xuất khẩu.

Những thống kê từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, sản xuất thực phẩm năm nay nguồn cung dồi dào, vấn đề quan trọng là đảm bảo lưu thông hàng hóa. Việc ứng phó nhanh nhạy, vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành thời gian qua đã không làm đứt gãy nguồn cung, không để gây thiếu hàng sốt giá.

Ở nhiều địa phương, các doanh nghiệp bán lẻ, hệ thống siêu thị đã đảm bảo dự trữ nguồn thực phẩm, nhu yếu phẩm cung ứng cho người dân trong mọi tình huống của dịch Covid-19. Bên cạnh một số mặt hàng thiết yếu do chính các công ty thành viên sản xuất, một số doanh nghiệp đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để tăng đến 300% lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu. Trong đó, tập trung vào 13 nhóm mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn giá gồm gạo, thịt gà, trứng gà, thực phẩm chế biến...

Việc cung ứng đủ hàng hóa không chỉ giúp người dân yên tâm chống dịch mà còn góp phần quan trọng vào bình ổn giá cả thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Lạm phát trung bình năm 2021 chỉ khoảng hơn 2%

Không chủ quan trước tình hình, theo một số chuyên gia kinh tế, những lo lắng về lạm phát hiện nay không ở trong nước mà chủ yếu là việc “nhập khẩu” lạm phát. Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, thủy sản, dệt may đang phải chịu chung cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng đẩy giá thành sản xuất tăng cao. Bởi vì, từ trước dịch bùng phát giá nguyên liệu đã tăng khiến giá thành sản phẩm đầu ra bị đội lên rất nhiều.

Theo thông tin từ các tổ chức quốc tế cho thấy, lạm phát đang tăng trở lại tại nhiều nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã đẩy giá thành nguyên liệu sản xuất tăng cao. Trong đó, tác động rõ rệt nhất là chi phí logistics và các chi phí tăng thêm trong phòng chống dịch.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, những mối lo ngại đến từ lạm phát các nước sau phục hồi dịch bệnh không tác động lớn đến Việt Nam. Bởi 8 tháng qua, tình hình sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và mặt bằng giá hàng hóa là khá khả quan, do đó, dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2021 sẽ thấp hơn mục tiêu đề ra là dưới 4%.

Có chuyên gia cho rằng, mặc dù khả năng xuất hiện lạm phát do chi phí đầu vào tăng là vẫn phải tính đến, nhưng trong thời gian trước mắt, không quá lo ngại. TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) dự báo, lạm phát trung bình năm 2021 chỉ khoảng hơn 2%. Do ảnh hưởng của Covid-19 và giãn cách xã hội, chuỗi cung ứng bị dứt gãy nên giá một số lương thực, thực phẩm tăng cao, nhưng sự tăng giá này chỉ ngắn hạn và diễn ra cục bộ tại một số địa phương.

Theo vị chuyên gia này, khi hết dịch, giá sẽ giảm trở lại. Về tổng thể, dịch Covid-19 khiến thu nhập của người dân sụt giảm, nhu cầu yếu nên giá cả chưa tăng mạnh. Đối với một số nguyên vật liệu, giá có thể tăng mạnh nhưng tỷ trọng của các mặt hàng này trong rổ hàng hóa CPI (chỉ số giá tiêu dùng) không lớn. TS. Nguyễn Đức Độ ví dụ như giá thép tăng mạnh, nhưng nó chỉ là một phần trong nhóm hàng hóa "nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng", nhưng cả nhóm này chỉ chiếm tỷ trọng chưa đến 20% trong rổ tiền tệ, do đó cũng không quá lo ngại việc “nhập khẩu” lạm phát.

Minh Anh