![]() |
Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ quan trọng của Việt Nam. Ảnh: ĐỨC THANH |
Xuất khẩu hàng hóa có bước phát triển mạnh mẽ
Từ khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng trưởng vượt bậc, khẳng định vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong hệ thống thương mại toàn cầu.
Cụ thể, năm 1995, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chỉ đạt khoảng 450 triệu USD. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 10 năm sau đó, con số này đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Đến năm 2019, tổng kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia đã lên tới 75,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 61,35 tỷ USD. Đây là con số ấn tượng, phản ánh sự thịnh vượng của ngành xuất khẩu Việt Nam.
Không chỉ tăng trưởng về giá trị, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ còn thể hiện sự ổn định và bền vững qua từng năm. Trong năm 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng thương mại giữa hai quốc gia vẫn tăng trưởng 19,8% so với năm 2019, đạt tổng kim ngạch 90,8 tỷ USD. Như vậy, dù đối mặt với những khó khăn chung, mối quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn vững mạnh và có khả năng phục hồi nhanh chóng.
TS. Vũ Hoàng Linh - Giảng viên cấp cao Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, 30 năm sau bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của nhau.
Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 150 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ hơn 136,6 tỷ USD và nhập khẩu từ Hoa Kỳ khoảng 13,1 tỷ USD - một mức thặng dư lớn nghiêng về phía Việt Nam. Đồng thời, Hoa Kỳ là nhà đầu tư lớn thứ 11 tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư nước ngoài lũy kế khoảng 11,8 tỷ USD.
Số liệu thống kê mới nhất cũng cho thấy, riêng 6 tháng đầu năm 2025, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 70,91 tỷ USD.
Thuế quan thay đổi - động lực để phát huy nội lực
Vừa qua, Việt Nam và Hoa Kỳ vừa đạt được một thỏa thuận thuế quan giúp giảm nguy cơ áp thuế cao như tuyên bố trước đây của Tổng thống Donald Trump. Đây là tín hiệu tốt cho xuất khẩu của Việt Nam.
TS. Nghiêm Tuấn Hùng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và an ninh (Viện Nghiên cứu châu Âu và châu Mỹ) nhận định, không nên nhìn vấn đề thuế quan một cách đơn thuần trong quan hệ song phương, mà cần đặt trong tổng thể hệ thống thương mại toàn cầu. Dù chưa chính thức, song với thông tin ban đầu được đưa ra, cần có cách tiếp cận lạc quan nhưng thận trọng đối với mức thuế áp cho hàng hóa Việt Nam. Việc đánh giá thận trọng nên dựa vào cơ sở đàm phán từng mặt hàng, theo dõi luồng trung chuyển và bản chất thực tế của từng giao dịch.
Bình luận thêm về điều này, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, về cơ bản Việt Nam đang làm tốt và tin tưởng kết quả sẽ tích cực cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ.
“Tôi được tiếp xúc với rất nhiều doanh nghiệp, thấy rất phấn khởi là doanh nghiệp Việt Nam thích ứng cực kỳ nhanh. Họ đã tìm kiếm một số thị trường và địa bàn khác để đa dạng hóa đầu vào và đầu ra chứ không ngồi chờ chính sách, chờ kết quả đàm phán. Thời kỳ khó khăn nhất có thể đã qua, thì không có lý do gì để chúng ta không tiếp tục phát huy” - ông Lực bày tỏ.
Ở góc độ doanh nghiệp, tin tưởng và nhận định quá trình đàm phán của Việt Nam và Hoa Kỳ vừa qua thành công tốt đẹp, ông Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hòa nhấn mạnh, đây cũng là lúc doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi. Thời gian tới, ông Nguyễn Văn Tưởng đề cao tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực cây dược liệu và sản phẩm từ thiên nhiên.
Đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng nhìn nhận thực trạng mới có nhiều phức tạp, nhưng cũng có nhiều cơ hội và là động lực để phát huy nội lực, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của nền kinh tế trong mối quan hệ với Hoa Kỳ.
Theo các chuyên gia, không ai phủ nhận vị thế ngày càng lớn của hàng Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ. Nhưng để duy trì mối quan hệ bền vững, Việt Nam cần nhanh chóng thích ứng với những thay đổi trong chính sách thương mại toàn cầu - bao gồm cả việc xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch, nâng cao giá trị gia tăng và giảm phụ thuộc vào một vài ngành hàng chủ lực.
TS. Nguyễn Thành Trung - Giảng viên tại Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, trong thập niên tới, một trong những trụ cột quan trọng nhất trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ tiếp tục là hợp tác kinh tế, thương mại và bảo đảm chuỗi cung ứng. Việt Nam mong muốn trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa của Hoa Kỳ, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng vì các căng thẳng quốc tế ngày càng gia tăng.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knappe, quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đã mở rộng rất mạnh mẽ trong 30 năm qua, trong đó kinh tế là một trụ cột quan trọng. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ, còn Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư rất nhiều vào Việt Nam và ngược lại. |