Hỏi: Cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: Theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022), việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa có quy định rõ ràng về việc xử lý tài sản công là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, do đó nhiều vụ việc thụ lý, giải quyết có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu đang gặp khó khăn, vướng mắc. Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 để phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020.

Trả lời: Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 106 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân bao gồm “tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu”.

Thực hiện nhiệm vụ do Quốc hội giao tại Khoản 3, Điểm đ Khoản 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 5/3/2018 quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 57/2018/TT-BTC ngày 5/7/2018 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP.

Việc xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 5/3/2018 của Chính phủ và Thông tư số 57/2018/TT-BTC ngày 5/7/2018 của Bộ Tài chính.

Do đó, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công (Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, Thông tư số 57/2018/TT-BTC) đã có quy định về việc xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.