Cần "lấp khoảng trống" về xác định giá hàng hóa, dịch vụ

Theo ĐB Đỗ Ngọc Thịnh, về chính sách thẩm định giá, thời gian gần đây, sau hàng loạt các sai phạm có liên quan đến hoạt động thẩm định giá, có thể nhận thấy thị trường thẩm định giá đã và đang phát triển nóng về số lượng nhưng chưa đảm bảo chất lượng.

Có không ít doanh nghiệp thẩm định giá cũng như thẩm định viên về giá thiếu kinh nghiệm hoặc vi phạm đạo đức nghề nghiệp vì lợi ích trước mắt mà gian dối, câu kết với khách hàng, làm sai lệch hồ sơ để thổi giá cao hoặc hạ thấp giá trị một cách bất thường. Do đó, cần thiết phải siết chặt các quy định về thẩm định giá và thẩm định viên về giá.

Đại biểu Quốc hội đồng tình siết chặt điều kiện hành nghề thẩm định giá
Đại biểu Quốc hội đồng tình siết điều kiện hành nghề thẩm định giá.

ĐB Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại việc quy định tăng thêm về số lượng thẩm định viên để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và dịch vụ thẩm định giá đối với doanh nghiệp là 5 người có thể thẩm định viên và chi nhánh là 3 người.

ĐB đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này nhằm đảm bảo cho các doanh nghiệp thẩm định giá và các chi nhánh của doanh nghiệp thuận lợi hơn trong tổ chức bộ máy, hạn chế được việc thiếu thẩm định viên đăng ký hành nghề trong tình hình hình hiện nay.

Theo ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), thực tế nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện có liên quan đến việc xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc là khi bán tài sản công.

“Hiện nay, các tổ chức tư vấn định giá rất ngại, thậm chí là không dám nhận nhiệm vụ định giá các tài sản cho khu vực công chỉ mua hoặc khi bán. Mặt khác, nhiều cơ quan, nhiều đơn vị công hiện không mua sắm được các tài sản, vật tư hàng hóa. Điển hình như là bệnh viện không mua được thuốc chữa bệnh và vật tư y tế. Nhiều tài sản công không thể chuyển giao cho khu vực tư như các dự án bất động sản không thể xác định giá đất để cho các nhà đầu tư đầu tư phát triển”- ĐB Hoàng Văn Cường đặt vấn đề.

Theo ĐB, nguyên nhân căn bản của tình trạng trên là do chưa có những quy định một cách chặt chẽ một cách cụ thể những các căn cứ, phương pháp để xác định giá cả hàng hóa; chưa có các quy định là căn cứ cho cơ quan định giá, quyết định giá bảo đảm không có tư lợi. Pháp luật hiện hành không có công cụ định giá cũng như bảo vệ cho những người làm định giá.

Do đó, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, yêu cầu đầu tiên của việc hoàn thiện Luật Giá lần này là phải “lấp khoảng trống” về các căn cứ pháp luật để làm cơ sở cho việc xác định giá, phương pháp đánh giá những căn cứ định giá, những nguyên tắc định giá... Dự thảo Luật cần phải có một chương riêng về phương pháp, căn cứ, nguyên tắc định giá.

Chỉ lập Quỹ Bình ổn giá đối với xăng dầu

Quan tâm đến quy định về Quỹ bình ổn giá trong dự thảo Luật, ĐB Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) cho rằng, thời gian qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã góp phần làm giảm sốc về giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao hoặc là giảm quá mạnh. Việc sử dụng quỹ bình ổn giá đã hạn chế tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống của nhân dân.

Đại biểu Quốc hội đồng tình siết chặt điều kiện hành nghề thẩm định giá
ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định): cần quy định chặt chẽ hơn hành vi cấm tăng giá.

Theo ĐB, xét về bản chất, giá cả hàng hóa, dịch vụ thực hiện trích quỹ bình ổn giá vẫn vận hành theo cơ chế thị trường, tăng hay giảm vẫn phụ thuộc vào thị trường. Tuy nhiên, khi sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá sẽ tác động làm giá cả tăng chậm hơn hoặc giảm chậm hơn. Do đó, nếu sử dụng được biện pháp bình ổn giá khác như thông qua điều hòa, kiểm soát cung cầu quy định tại Khoản 3, Điều 20 của dự thảo luật thì không cần thiết phải sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá.

Thực tế trong điều kiện hiện nay thì việc bình ổn giá xăng dầu thông qua điều hòa, kiểm soát cung cầu còn khó khăn. Vì vậy, trước mắt, ĐB Vũ Tuấn Anh thống nhất giữ Quỹ bình ổn giá như dự án Luật, song cần quy định rõ là chỉ lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, còn không lập Quỹ bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ khác. Đồng thời cần có quy định cụ thể về việc công khai, minh bạch việc trích và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để đảm bảo được thực thi.

ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) quan tâm về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 7 dự thảo Luật. ĐB cho rằng, trong điều luật này có quy định hành vi cấm tăng giá. Tuy nhiên để đảm bảo về phạm vi điều chỉnh và thống nhất với các luật liên quan thì cần rà soát, quy định chặt chẽ hơn nữa.

“Điều 7 trong dự thảo Luật có quy định cấm: Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, chính sách của nhà nước và điều kiện bất thường khác để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá so với trước khi điều chỉnh giá. Luật Cạnh tranh có điều chỉnh hành vi giảm giá. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu để quy định trong Điều 7 được toàn diện, bao quát hơn đối với các trường hợp giảm giá”- ĐB Lý Tiết Hạnh nói./.

Làm rõ quy định hai phương pháp định giá

Về phương pháp định giá, ĐB cho biết, dự thảo Luật đang quy định hai phương pháp định giá: phương pháp định giá chung và phương pháp định giá riêng. ĐB đề nghị cần làm rõ, hai phương pháp định giá này có thống nhất với nhau hay không, có xây dựng trên nguyên tắc chung nào, khi có xung đột với các luật khác có liên quan thì phương pháp nào là phương pháp quyết định./.