NDC

ĐB Nguyễn Đức Chung.

Đề nghị đưa tội lãng phí vào Bộ Luật hình sự

Đánh giá cao tính cần thiết của việc sửa đổi Luật Hình sự hiện hành, ĐB Bùi Thị An cho rằng, “Bộ Luật Hình sự là để trị tội phạm làm yên dân, người dân có yên mới phát triển được kinh tế xã hội, đất nước mới phát triển một cách bền vững”.

Nhấn mạnh về một nội dung liên quan đến kinh tế, ĐB Bùi Thị An đề nghị bổ sung tội phạm lãng phí vào Bộ luật bởi hiện nay đất nước còn nghèo mà tình trạng lãng phí rất lớn, “ta không làm được mà còn lãng phí, ta đi vay cuối cùng con cháu ta phải trả nợ”.

Về việc tội danh tử hình, ĐB ủng hộ việc không bỏ án tử hình đối với tội danh tham nhũng... Theo ĐB, tội phạm tham nhũng gây thiệt hại lớn không tính hết cho đất nước, cho cả xã hội và bộ máy điều hành, do vậy không thể có hình thức thay thế như bồi thường, nộp tiền mà phải có hình phạt nghiêm khắc để răn đe.

ĐB Bùi Thị An cũng lưu ý đến ý kiến cử tri phản ánh nhiều trường hợp được ân xá từ án tử hình xuống chung thân sau đó lại được giảm dần án còn ít năm. ĐB đề nghị Bộ luật sửa đổi phải quy định rõ về vấn đề này để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Không nên hình sự hoá tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại tài sản

Đồng tình với ý kiến này, ĐB Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho biết “Thực tế tôi đã chứng kiến có trường hợp từ tử hình xuống 20 năm, xong từ 20 năm xuống 18 năm và cứ đi 15 năm là về”.

Đồng thời, ĐB cũng đề nghị giữ nguyên án tử hình với tội phạm tham nhũng để có tính răn đe. Người vì nghèo khổ đi buôn ma túy để kiếm tiền sinh sống vẫn bị tử hình, thì không lý gì một người am hiểu pháp luật, giữ những chức vụ cao mà vẫn đi tham ô, tham nhũng một lượng tiền lớn thì lại không bị áp dụng tử hình, ĐB nêu ví dụ chỉ ra những bất cập trong bộ luật.

Tuy nhiên, đối với một tội phạm kinh tế khác là tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Điều 173, ĐB Nguyễn Đức Chung đề nghị xem lại, không nên hình sự hóa quan hệ này bởi cá nhân được giao quản lý tài sản của các cơ quan, tổ chức và của doanh nghiệp nếu để mất mát hư hỏng lãng phí là quan hệ dân sự. Điều này càng quan trọng khi chúng ta đang đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, sẽ giao trách nhiệm cho nên càng khó xử lý, ĐB nói.

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân: Không để cá nhân né tội

Một vấn đề lớn được nhiều ĐB quan tâm trong dự thảo lần này là việc bổ sung quy định mới về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.

ĐB Nguyễn Đức Chung bày tỏ không đồng tình việc đưa vào luật hình sự thành một chương để truy tố pháp nhân, bởi theo ĐB, việc truy tố pháp nhân như là một công ty đã có trong Luật doanh nghiệp, Luật hành chính để xử phạt, không thể nào truy tố một pháp nhân. Luật doanh nghiệp đã có quy định đại diện cho pháp nhân đó. “Đã có các luật khác điều chỉnh nên trong Luật hình sự chúng ta không nên đưa trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân vào”, ĐB đề nghị.

Trong khi đó, ĐB Đinh Xuân Thảo cho rằng, việc quy định hình sự với pháp nhân không phải là mới mà đã được ghi nhận trong pháp luật hình sự một số nước. Cụ thể có 119/173 nước là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc phòng chống tham nhũng (UNCAC) và có các quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Trong hiệp hội quốc gia ASEAN hiện có 5 nước chính thức quy định tội danh này. Nghị quyết của Đảng cũng có quy định, định hướng để xác định trách nhiệm pháp nhân.

“Thực ra nói đến trách nhiệm hình sự cũng không phải là bỏ tù, bỏ tù pháp nhân không thể rồi nhưng đây chỉ là các hình thức phạt tiền, tịch thu giấy tờ. Như anh Chung (ĐB Nguyễn Đức Chung) nói hiện nay các luật khác có quy định rồi nhưng bây giờ đưa vào hình sự thì tính nghiêm minh mạnh hơn”, ĐB cho biết.

Tuy nhiên, ĐB Đinh Xuân Thảo đề nghị, dự thảo cần phải xác định rõ chính sách hình sự đối với pháp nhân vi phạm pháp luật như loại tội pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự giới hạn là những tội gì. Nguyên tắc xử lý hình sự đối với pháp nhân cần chú ý đến vấn đề như truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân nhưng không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

“Tôi cũng biết là Ủy ban Tư pháp thẩm tra ngần ngại chỗ này. Nếu bây giờ truy cứu trách nhiệm pháp nhân mà cá nhân có trong pháp nhân, trong tổ chức đó, họ lợi dụng để lẩn tránh trách nhiệm là không được. Như vậy là pháp nhân vẫn truy cứu, mà trách nhiệm cá nhân vẫn phải bị truy cứu. Như thế mới bảo đảm công bằng và nghiêm minh”, ĐB Đinh Xuân Thảo đề nghị./.

H.Y