Gắn trách nhiệm với các cơ quan phân cấp
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) gồm 5 chương, 35 điều, giảm 2 chương, giảm 15 điều so với Luật hiện hành. Việc giảm số lượng chương, điều so với Luật hiện hành để thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị về yêu cầu xây dựng pháp luật theo hướng nguyên tắc, đúng thẩm quyền của Quốc hội. Theo đó, Luật chỉ quy định những nội dung cơ bản, quan trọng có tính nguyên tắc để bảo đảm tính ổn định lâu dài, hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung.
Trong đó, dự thảo bổ sung thêm 2 điều mới để xác định trách nhiệm của Chính phủ, đồng thời làm rõ mối quan hệ giữa Chính phủ với Quốc hội, UBTVQH và giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp sáng 5/2. |
Dự thảo cũng đưa ra nguyên tắc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đối với các nội dung quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo tinh thần đẩy mạnh phân cấp.
Để đẩy mạnh việc phân cấp, dự thảo Luật quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc quyết định phân cấp cho người đứng đầu các tổ chức, đơn vị được giao chức năng tổ chức thực thi pháp luật chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ theo phân công của Chính phủ; phân cấp và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao quản lý theo phạm vi lãnh thổ.
Để bảo đảm việc thực hiện phân cấp, không tách rời nguyên tắc quản lý thống nhất của Chính phủ, dự thảo Luật cũng quy định rõ cơ quan phân cấp có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp; trường hợp không đạt mục tiêu, yêu cầu về phân cấp, cơ quan phân cấp có trách nhiệm thu hồi hoặc điều chỉnh các nội dung đã phân cấp. |
Việc phân cấp thực hiện theo nguyên tắc: Cơ quan được phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và về kết quả thực hiện các nội dung được phân cấp; Cơ quan phân cấp có trách nhiệm bảo đảm đầy đủ các điều kiện, nguồn lực cần thiết khi quyết định phân cấp; Cơ quan được phân cấp có quyền báo cáo về điều kiện, nguồn lực bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp trước khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định; Việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Chính phủ, việc gắn trách nhiệm đối với cơ quan được phân cấp về kết quả thực hiện các nội dung được phân cấp là cần thiết nhưng không làm giảm trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội và trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của Hiến pháp.
Phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Chính phủ
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ với các lý do đã nêu trong tờ trình.
Liên quan đến nội dung phân cấp, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung nguyên tắc phân cấp theo hướng: khi thực hiện phân cấp phải bảo đảm đồng bộ giữa phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn với phân cấp về giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan được phân cấp chủ động trong giải quyết công việc. Đồng thời, làm rõ về việc cơ quan nhận phân cấp có thể phân cấp tiếp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới hay không?
Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đề nghị cân nhắc không nên quy định phân cấp tiếp để bảo đảm gắn việc phân cấp với các điều kiện, nguồn lực cần thiết và xác định rõ trách nhiệm của cơ quan được phân cấp.
![]() |
Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 3/2. |
Về quan hệ của Chính phủ với Quốc hội, UBTVQH, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định rõ thẩm quyền quyết định việc ngưng hiệu lực đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH là cơ quan đã ban hành văn bản để thống nhất với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong phân cấp, phân quyền. Theo Chủ tịch Quốc hội, khi sửa Luật Tổ chức Chính phủ, Quốc hội nên phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Chính phủ để Chính phủ chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vì sự phát triển của đất nước.
“Tới đây, Quốc hội không quản lý danh mục đầu tư công, không quản lý danh mục tiền mà giao một khối cho Chính phủ chịu trách nhiệm phân bổ về địa phương, không còn cơ chế xin - cho. Thủ tướng cũng nói nhất trí giao quyền lại cho bộ, ngành, địa phương”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói và đồng thời nhấn mạnh “làm minh bạch trong phân cấp, ủy quyền”.
Về các nguyên tắc phân định thẩm quyền, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần quy định rõ quan hệ Quốc hội, Chính phủ, UBTVQH, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ hơn khả năng đáp ứng của các cơ quan, tổ chức được phân cấp để đảm bảo tính khả thi, tránh đùn đẩy trách nhiệm. Thực tế, có những địa phương làm quyết liệt, không xin xỏ Trung ương, không kêu khó, nhưng có địa phương lại kêu do quy định. Nhiều địa phương tăng trưởng, thu ngân sách cao, song cũng có nơi không làm được lại đổ lỗi do luật.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải xác định nguyên tắc “trên chịu trách nhiệm, dưới cũng phải chịu trách nhiệm”, và cần bổ sung vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhất là trong bối cảnh tới đây cấp xã rất mạnh khi nhiều đơn vị cấp trung gian ở huyện không còn./.
Liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị về lâu dài phải sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước để phù hợp với các quy định mới sau khi sửa các luật về tổ chức bộ máy. Nếu vẫn tiếp tục theo cơ chế lồng ghép ngân sách thì phải rạch ròi trách nhiệm giữa trung ương và địa phương. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tới đây phải tính tới việc quản lý ngân sách theo mục tiêu đầu ra, thay vì quản lý chi tiết như hiện nay. Việc thu chi ngân sách phải được quyết toán ngay sau một năm thì mới có giá trị để lập dự toán mới. |