Báo cáo từ UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, với tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là trên 5.667 tỷ đồng, đến nay, tỉnh đã giao chi tiết đến từng dự án với tổng số 4.981 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách trung ương đã giao 2.896 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 85,8%; nguồn ngân sách địa phương đã giao 2.085 tỷ đạt trên 91%.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, ngay từ đầu năm, tỉnh đã đưa ra một loạt giải pháp đồng bộ từ tỉnh đến huyện, theo đó, tiến độ giải ngân cũng có nhiều cải thiện nhưng chưa đạt như mục tiêu đề ra. Tính đến hết tháng 7/2023, toàn tỉnh mới giải ngân được 1.404 tỷ đồng, đạt 28,2% kế hoạch, tăng 4,2% so với tháng trước, cao hơn 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đắk Lắk: Vẫn còn 2 đơn vị chưa thực hiện giải ngân
Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn còn 2 đơn vị chưa thực hiện giải ngân. Ảnh minh họa: H.T

Về các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành điều chỉnh, giao bổ sung chỉ tiêu, kế hoạch vốn theo quy định. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, đề xuất danh mục dự án đầu tư từ phần vốn còn lại thực hiện Chương trình nông thôn mới. Đến hết tháng 7/2023, tòan tỉnh đã giải ngân nguồn vốn này đạt 30,6%, trong đó, Chương trình nông thôn mới đạt 54,3% kế hoạch; Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân đạt 16,7% kế hoạch; Chương trình giảm nghèo bền vững giải ngân đạt 37,6% kế hoạch.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo từ UBND tỉnh Đắk Lắk, đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn 2 đơn vị chưa thực hiện giải ngân; 7 đơn vị thực hiện giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh và có 21 đơn vị thực hiện giải ngân cao hơn mức bình quân chung của tỉnh, trong đó, có 11 đơn vị giải ngân đạt từ 28 - 50%; 7 đơn vị giải ngân trên 50% và 3 đơn vị giải ngân trên 80%.

Đến hết tháng 7/2023, tỉnh Đắk Lắk đã giải ngân nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 30,6%, trong đó, Chương trình nông thôn mới đạt 54,3% kế hoạch; Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân đạt 16,7% kế hoạch; Chương trình giảm nghèo bền vững giải ngân đạt 37,6% kế hoạch.

Nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn xây dựng cơ bản thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được chỉ ra là do còn nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án còn chậm; thiếu đất đắp cho công trình; các dự án khởi công mới đang tập trung thực hiện triển khai công tác đầu thầu, lựa chọn nhà thầu xây lắp; việc thu tiền sử dụng đất tại một số huyện, thành phố còn chậm nên dẫn đến việc thiếu vốn để thực hiện giải ngân cho một số dự án…

Quyết tâm đưa tỷ lệ giải ngân của địa phương tăng cao góp phần đưa tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt cao, UBND tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho từng dự án, công trình.

UBND tỉnh đặc biệt lưu ý các đơn vị có chức năng thẩm định, tham mưu phê duyệt các hồ sơ liên quan đến triển khai thực hiện công trình, dự án đầu tư công cần phải tập trung nhân lực để thẩm định hồ sơ theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và rút ngắn thời gian. Các đơn vị được giao thu tiền sử dụng đất cần khẩn trương triển khai để bảo đảm nguồn vốn cho các công trình.

Đối với các chủ đầu tư, UBND tỉnh yêu cầu cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương có liên quan tăng cường các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Đồng thời chủ động, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu công trình, dự án để thực hiện công tác thanh toán, quyết toán…/.