Thảo luận tại tổ chiều 10/5 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, các đại biểu Quốc hội nhất trí với cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn của việc sửa đổi Luật.

Kịp thời thực thi cam kết về phòng chống rửa tiền

Theo các đại biểu, việc khẩn trương có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để tháo gỡ, khắc phục điểm nghẽn về thể chế, trong đó có sửa đổi Luật Doanh nghiệp sẽ giúp phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp tại dự thảo sẽ giúp minh bạch hóa cấu trúc sở hữu và điều hành doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng “chủ sở hữu thực sự” ẩn sau nhiều lớp giấy phép.

Có ý đại biểu đề nghị, cần bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi vào cả các luật liên quan. Đối với dự thảo Luật, nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật trong việc cập nhật, cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi cho cơ quan quản lý khi có yêu cầu; bổ sung chế tài xử lý nghiêm trường hợp kê khai sai lệch thông tin chủ sở hữu hưởng lợi…

Sửa Luật Doanh nghiệp tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân
Các đại biểu thảo luận tại tổ chiều 10/5.

Nhiều đại biểu cũng tán thành với việc dự thảo Luật sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp, bổ sung trường hợp viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được quyền góp vốn vào doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.

Ngày 30/6/2023, Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) đã chính thức đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát tăng cường (còn gọi là Danh sách Xám) về phòng, chống rửa liền và phải thực hiện các hành động khắc phục do FATF chỉ định trong vòng hai năm (đến tháng 5/2025).

Một trong các hành động được FATF đề cập là: xây dựng cơ chế lưu giữ và cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền các thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân; áp dụng các biện pháp xử lý một cách phù hợp, hiệu quả, tương xứng và có tính chất răn đe đối với các hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị nghiên cứu chỉnh lý quy định tại Điều 17 theo hướng súc tích hơn, loại trừ trường hợp pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có quy định khác.

Phát biểu trong phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, một trong những mục đích của việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp là để thực hiện cam kết phòng, chống rửa tiền.

Một phần ba trong số 23 nội dung được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật liên quan đến thực hiện cam kết này, nhằm đáp ứng yêu cầu của FATF (Lực lượng đặc nhiệm tài chính).

Bên cạnh đó, vừa qua lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có các chỉ đạo quyết liệt về cắt giảm tối thiểu là 30% các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh... Hiện nhiệm vụ này Bộ Tài chính đang triển khai tích cực và việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này cũng nhằm thực hiện mục tiêu trên, Bộ trưởng cho hay.

Chẳng hạn, như các quy định thủ tục gia nhập thị trường đã được sửa đổi theo hướng cắt giảm các thủ tục hành chính; nhiều quy trình đăng ký đã được chuyển sang dùng định danh cá nhân thay vì giấy tờ như truyền thống nên Luật cần sửa đổi cho phù hợp… Ngoài ra, lần sửa đổi này cũng khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn khi triển khai Luật Doanh nghiệp.

Trong quá trình góp ý, một số đại biểu nêu ý kiến về khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi. Bộ trưởng giải thích, đây là quy định mang tính chất kỹ thuật, là thuật ngữ nguyên văn của FATF. Do đó, về mặt hình thức chúng ta phải bổ sung vào để đảm bảo theo các yêu cầu của FATF.

Thực tế, tại dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã quy định rất đầy đủ và chi tiết về khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi, bao gồm cả tỷ lệ sở hữu, quy định tỷ lệ sở hữu và quyền chi phối. Tuy nhiên, yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra là không quy định chi tiết khái niệm này tại Luật Doanh nghiệp mà chỉ quy định chung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Sửa Luật Doanh nghiệp tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên họp tổ. Ảnh: Phạm Thắng

Không quy định về ưu đãi thuế tại các luật chuyên ngành

Liên đến quy định thể chế hoá Nghị quyết 57 cho phép viên chức có thể thành lập, góp vốn để quản lý doanh nghiệp, có ý kiến đại biểu cho rằng đây là chính sách đã được quy định tại dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Nghị quyết số 193/2025/QH15.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết hiện có hai phương án để giải quyết vấn đề này. Một là sửa khoản 2, khoản 3 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp để bổ sung cho phù hợp với Luật Khoa học, công nghệ. Hai là có thể bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức mà Chính phủ sẽ trình Quốc hội tới đây, dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp cuối năm.

Theo Bộ trưởng, việc đưa ngay quy định này vào Luật Doanh nghiệp phù hợp hơn để cùng lúc tạo sự thống nhất giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nếu để đưa vào Luật Viên chức để thông qua tại Kỳ họp sau thì có thể sẽ phải sửa đổi lại Luật Doanh nghiệp.

Tại phiên họp chiều 10/5, Quốc hội cũng thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Hiện nay, dự thảo Luật đang quy định, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất sản phẩm, vật liệu tiết kiệm năng lượng, đầu tư nâng cấp, cải tạo dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất bằng công nghệ tiết kiệm năng lượng, dự án đầu tư vào các cơ sở tiết kiệm năng lượng sản xuất, lắp đặt máy móc, thiết bị... Ưu đãi miễn, giảm thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế đối với phương tiện, thiết bị, phụ tùng, vật tư để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, tiết kiệm năng lượng...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, hiện Bộ Tài chính đang tiến hành sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp này, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và sắp tới Luật Quản lý thuế. Trong đó, quy định cụ thể về chính sách miễn, giảm thuế, đặc biệt có các ưu đãi cụ thể cho các hoạt động liên quan đến khoa học công nghệ. Do đó, đề nghị không đưa quy định ưu đãi thuế vào luật chuyên ngành này.