Sinh Viên

Nhiều trường đại học cam kết đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và đầu tư

Tuy nhiên, việc bố trí chi thường xuyên lĩnh vực này các năm vừa qua và trong các năm tiếp theo để đảm bảo tỷ lệ 20% tổng chi NSNN là hết sức khó khăn.

Gần 225 nghìn tỷ đồng cho giáo dục đào tạo năm 2015

Số liệu từ Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, cùng với chi đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết 7 nghìn tỷ đồng cho giáo dục đào tạo trong quốc phòng an ninh, thì tổng nguồn NSNN dành cho lĩnh vực giáo dục đào tạo năm 2015 là 224.826 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng chi NSNN. Tỷ lệ chi này đảm bảo theo Nghị quyết của Quốc hội.

Dự toán Quốc hội giao đối với chi thường xuyên lĩnh vực giáo dục đào tạo năm 2015 là 184.070 tỷ đồng. Theo đó, dự toán chi từ ngân sách địa phương là 152 nghìn tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo của địa phương; chi từ ngân sách trung ương (NSTW) là 32.070 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục đào tạo, hỗ trợ các địa phương thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành, trong đó nhiều khoản chi như: Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí cho học sinh, sinh viên nghèo; kinh phí hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non; kinh phí hỗ trợ phát triển giáo dục đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; kinh phí hỗ trợ học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập thực hiện chính sách giáo dục đối với người khuyết tật…

Trong tổng chi từ NSTW 32.017 tỷ đồng, cũng bố trí 10.398 tỷ đồng hỗ trợ hoạt động thường xuyên của các cơ sở giáo dục đào tạo thuộc các bộ, cơ quan trung ương. Mức hỗ trợ này đã tính đến đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế quản lý tài chính trong các cơ sở giáo dục đào tạo theo Kết luận số 63 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020 và hỗ trợ mở rộng quy mô, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới chương trình, giáo trình của ngành Giáo dục đào tạo…

Cũng theo số liệu từ Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, chi đầu tư phát triển giáo dục đào tạo năm 2015 là 33.756 tỷ đồng; trong đó, chi của NSTW là 14.096 tỷ đồng; chi NSĐP là 19.660 tỷ đồng đã ưu tiên kinh phí để thực hiện xây thêm phòng học cho giáo dục mầm non và phổ thông để xóa phòng học tạm thời, thay thế phòng học chờ. Xây mới các phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm đảm bảo diện tích theo yêu cầu. Hỗ trợ đầu tư xây dựng trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trọng điểm ở các địa phương…

Giảm gánh nặng ngân sách, nhiều trường xin “tự bơi”

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong bối cảnh tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ NSNN, chi từ nguồn trái phiếu Chính phủ và xổ số kiến thiết cho lĩnh vực giáo dục đào tạo so tổng chi NSNN cho lĩnh vực này có xu hướng giảm dần. Đặc biệt, nhu cầu bố trí đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục đào tạo từ nguồn xổ số kiến thiết ở các tỉnh phía Nam giảm mạnh do đã được đầu tư nhiều năm qua. Việc bố trí chi thường xuyên lĩnh vực giáo dục đào tạo các năm vừa qua và trong các năm tiếp theo để đảm bảo tỷ lệ 20% tổng chi NSNN là hết sức khó khăn.

Với lý giải của Bộ Tài chính nguồn lực nêu trên đã cơ bản đảm bảo kinh phí cho hoạt động thường xuyên và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở giáo dục, đào tạo ở từng cấp để từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và để thực hiện các nhiệm vụ lớn của ngành Giáo dục.

Thực tế cho thấy, bên cạnh nguồn lực đầu tư trực tiếp cho giáo dục và đào tạo theo cơ cấu NSNN, lĩnh vực giáo dục đại học còn được phân bổ thêm nguồn chi NSNN dành cho khoa học và công nghệ để tăng cường cơ sở vật chất các cơ sở nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm trọng điểm, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học.

NSNN cũng đã từng bước giảm bớt gánh nặng đối với chi cho giáo dục đại học. Thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017, nhiều trường đại học đã cam kết tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư; tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về nhiệm vụ đào tạo, về nghiên cứu khoa học và tổ chức bộ máy nhân sự, về tài chính.

Khi thực hiện cơ chế này, một số trường đại học công lập đã được quyền chủ động sáng tạo trong việc nắm bắt nhu cầu và khả năng xã hội để mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo, đổi mới toàn diện chương trình và phương pháp giảng dạy; và đặc biệt các trường đại học được xác định lại mức thu học phí cụ thể đối với từng ngành, nghề, chương trình đào tạo của trường theo nhu cầu người học và chất lượng đào tạo sẽ tạo điều kiện cho các trường có thêm nguồn lực tài chính để nâng cao chất lượng đào tạo, chủ động thu hút và tuyển chọn nhân tài gắn với cơ chế tiền lương linh hoạt...

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đổi mới cơ chế hoạt động đối với 10 trường đại học gồm: Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Tài chính Marketing, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Ngoại Thương, Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.

Hoàng Minh