Ngày 12/10 tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn "Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam" nhằm nhìn lại những kết quả của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp đạt được trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, chuyển dịch sang năng lượng sạch. Đồng thời, tìm cách giải quyết để phát triển ngành năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới.

Cấp bách chuyển dịch sang năng lượng sạch
Toàn cảnh Diễn đàn "Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam". Ảnh: Hải Anh

Tại diễn đàn, TS. Chử Đức Hoàng - Chánh văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, trước những thách thức trong việc sử dụng năng lượng truyền thống, việc chuyển đổi sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đổi mới công nghệ để tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, tránh cạn kiệt là một giải pháp thiết yếu.

Ông Hoàng Việt Dũng - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương cho biết, nhu cầu năng lượng trong nước tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001 - 2010, khoảng 7% trong giai đoạn 2011 - 2019 trong khi nhu cầu về điện tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001 - 2010 và khoảng 9,71% trong giai đoạn 2011 - 2021.

Do vậy, trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Từ thực trạng trên, ông Dũng cho rằng cần rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

PGS.TS. Phạm Hoàng Lương - nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội, Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã chia sẻ về chuyển đổi điện tái tạo thành các sản phẩm năng lượng hướng đến phát thải ròng bằng 0 và cam kết giảm phát thải, chiến lược thực hiện giảm phát thải dài hạn cấp quốc gia.

Chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng toàn cầu. Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước và còn nhiều dư địa để thực hiện các giải pháp hiệu quả năng lượng. Theo đó, có 3 mục tiêu chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam gồm: an ninh năng lượng; cung cấp năng lượng với chi phí chấp nhận được và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

Việt Nam cần xây dựng chiến lược giảm phát thải thông qua chuyển dịch năng lượng nhằm góp phần cùng cộng đồng quốc tế đạt được trung hoà carbon vào năm 2050.

Đồng thời, ứng dụng, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo và giải pháp hiệu quả năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm sẽ là một nội dung quan trọng trong Chiến lược giảm phát thải dài hạn ở Việt Nam.