“Đau đầu” đối phó với hàng lậu, hàng giả, hàng nhái
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh tư liệu

Tinh vi, xảo quyệt

Để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là vào những dịp cao điểm của vi phạm. Trong đó, các đơn vị nghiệp vụ chủ động nắm chắc địa bàn và tình hình diễn biến thị trường; kịp thời nhận diện các vấn đề mới nổi cộm, phức tạp để tham mưu, chỉ đạo kiểm tra, xử lý, nhất là các đối tượng, vụ việc vi phạm liên tỉnh, quy mô lớn.

Tại các tỉnh biên giới, các lực lượng công an, hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu vận chuyển trái phép từ biên giới vào thị trường nội địa tiêu thụ, đặc biệt là rà soát, giám sát chặt chẽ các kho tàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, chợ biên giới.

Qua theo dõi có thể thấy, tại nhiều địa phương, lực lượng chức năng đã phối hợp ra quân “sờ gáy” hàng chục cơ sở sản xuất, kho chứa trữ hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, giả mạo thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Nhiều vụ việc có quy mô lớn đã bị khởi tố.

“Đau đầu” đối phó với hàng lậu, hàng giả, hàng nhái
Tổ liên ngành kiểm tra hàng hóa nghi là giả tại một cơ sở kinh doanh. Ảnh: TL.

Đơn cử, mới cách đây vài ngày, Hải quan Quảng Ninh đã phối hợp ngăn chặn 2 vụ vi phạm. Một vụ kiểm tra, thu giữ hơn 800 sản phẩm dung dịch nước rửa tay, sơn móng tay do nước ngoài sản xuất nhưng không chứng minh được xuất xứ. Một vụ bắt giữ 10 thùng catton là xúc xích Trung Quốc, mỗi thùng trọng lượng 14 kg. Trên bao bì không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt và không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan đến lô hàng.

Hay lực lượng chức năng Quảng Ngãi vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán phân bón giả với quy mô hàng trăm tấn. Lực lượng liên ngành An Giang kiểm tra một cơ sở kinh doanh online đã tạm giữ hàng vạn sản phẩm may mặc không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, trị giá hàng hóa lên tới gần 400 triệu đồng…

Qua công tác đấu tranh có thể thấy, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi. Trên tuyến biên giới, các đối tượng lợi dụng địa hình phức tạp, các khu vực thiếu vắng sự tuần tra của cơ quan chức năng, cũng như thời tiết, đêm tối để vận chuyển hàng hóa trái phép.

Trên biển, điển hình như mặt hàng xăng dầu, các đối tượng sẽ cho tàu lớn neo đậu ở vùng biển giáp ranh rồi bơm cho các tàu nhỏ, thậm chí có cả các tàu hậu cần được cải hoán để buôn lậu. Ở khu vực cửa khẩu, lợi dụng chính sách tạo thuận lợi thương mại, quản lý rủi ro khi thông quan, các đối tượng sẽ khai báo không trung thực, không khai báo, không đúng chủng loại mặt hàng để trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đưa vào nội địa.

Tại các chợ truyền thống, các đối tượng sẽ đưa hàng về tập kết tại các khu vực vắng vẻ, ít người quan sát để từ đó phân phối cho các đại lý, kiot bán trộn với hàng thật, hàng chính ngạch để đánh lừa người tiêu dùng cũng như lực lượng chức năng.

Đặc biệt, gần đây, với sự bùng nổ của thương mại điện tử, các đối tượng lợi dụng tạo lập tài khoản, gian hàng trên không gian số đơn giản, dễ xóa dấu vết để đưa kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Nhiều rào cản để giải bài toán khó

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có tác động rất xấu tới nền kinh tế như: gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và hội nhập quốc tế, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nhất là các nhóm mặt hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm, phân bón; hay các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đời sống người nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp; đặc biệt là tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Ý thức được điều đó, song, việc đấu tranh với loại hình tội phạm này thực sự không phải dễ.

Lực lượng chức năng khó xử lý

Mặc dù đấu tranh rất quyết liệt, song, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn đang là một vấn nạn của xã hội, đặt ra bài toán khó cho các lực lượng chức năng.

Chia sẻ về những khó khăn, ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, hệ thống pháp luật và trang thiết bị của các lực lượng chức năng đang chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hiện nay, các đối tượng vi phạm đã áp dụng nhiều công nghệ mới, nhanh để trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Trong khi lực lượng chức năng để mua được thiết bị phải qua nhiều khâu, bước và phụ thuộc vào ngân sách. Ví dụ dễ thấy nhất như tàu chống buôn lậu trên biển. Tội phạm thường sử dụng tàu cao tốc, lắp đến 6 máy, trong khi lực lượng của ta tàu công suất thấp, khi phát hiện gần như không thể truy đuổi kịp.

Về cơ chế chính sách, hiện vẫn còn một số bất cập gây khó khăn trong việc xử lý và xác định các hành vi để xử lý theo quy định. Về địa hình, biên giới chúng ta dài, có cả đường bộ, đường biển, hàng không trong khi biên chế cơ quan chức năng không lớn, ngày càng giảm, tạo ra khoảng trống cho các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới.

Trên không gian mạng, các trang web có tên miền quốc tế, khi phối hợp xử lý vi phạm thì liên lạc với các lực lượng chức năng nước bạn cũng có nhiều khó khăn, nhiều đơn vị từ chối trả lời hoặc trả lời chậm dẫn đến việc xử lý không hiệu quả và kịp thời.

Internet là "mặt trận" rất "nóng"

Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng phức tạp và tinh vi. Đặc biệt, internet là "mặt trận" rất nóng trong việc chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Sự nhức nhối của tình trạng này đang thể hiện ở cả 3 khía cạnh, bao gồm các vấn đề vi phạm về thương hiệu và nhãn hiệu của sản phẩm; chủng loại sản phẩm bị làm giả, làm nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; phương thức kinh doanh sản phẩm, hàng giả, hàng nhái.

Hiện nay, đối tượng làm hàng giả rất tinh vi và nghiên cứu pháp luật rất kỹ để luồn lách qua mặt cơ quan nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật. Rất nhiều sản phẩm hàng giả được làm giống hoặc gần giống hàng thật và cũng đăng ký bản quyền. Với những vụ việc này, để xử lý tranh chấp mất rất nhiều thời gian, thậm chí nhiều khi lực lượng chức năng còn bị các đối tượng kiện ngược lại.

Thông thường, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Việt Nam thường có tâm lý e ngại, khi biết sản phẩm của mình bị làm giả trên thị trường sẽ ngại ảnh hưởng đến thương hiệu nên tránh né, dẫn đến người tiêu dùng biết thương hiệu sản phẩm có hàng giả nên có thể không mua nữa.

Song, điều này càng khiến cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lộng hành. Do vậy, tốt nhất doanh nghiệp cần chủ động phối hợp trực tiếp với các lực lượng chức năng, lực lượng thực thi như quản lý thị trường để cung cấp thông tin hàng giả, phối hợp kiểm tra, xử phạt, xử lý ngay.