Giải ngân vốn đầu tư công lĩnh vực công thương mới đạt hơn 10% Gỡ "nút thắt" trong giải ngân đầu tư công qua thực tiễn kiểm toán Đánh giá kỹ việc sử dụng nguồn vốn ODA, tránh tạo gánh nặng về nợ công

Kỷ cương, kỷ luật đầu tư công phụ thuộc sự quyết liệt của Chính phủ

Sáng 2/11, thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) đánh giá, việc thực hiện đầu tư công thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu nêu rõ, thời gian qua, công tác đầu tư công theo kế hoạch trung hạn đã được Quốc hội và Chính phủ quyết liệt chỉ đạo triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều dự án, công trình trọng điểm, quan trọng của đất nước được triển khai và hoàn thành, mang lại hiệu quả tích cực. Đầu tư công ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Đầu tư công phải hiệu quả, tránh áp lực giải ngân bằng mọi giá
Đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa)

Việc thực hiện chủ trương lấy đầu tư công, dẫn dắt đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư khu vực ngoài nhà nước và đầu tư theo phương thức đối tác công tư chưa thực sự mang lại hiệu quả.

“Kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công chưa nghiêm, chưa trở thành nề nếp, còn phụ thuộc vào tính quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ” - đại biểu Lê Hữu Trí nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo đại biểu, trên tổng thể thì công tác đầu tư công vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện từ công tác xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ nguồn lực giải phóng mặt bằng, triển khai thi công và giải ngân.

Trình tự, thủ tục trong đầu tư công cũng như các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, đấu thầu, chi ngân sách khoáng sản còn nhiều vướng mắc và trong nhiều trường hợp là điểm nghẽn, làm chậm công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và giải ngân các dự án...

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cần tổng kết, đánh giá, phân tích, xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế không những diễn ra trong năm 2023 mà kéo dài từ nhiều năm trước. Việc xác định rõ đâu là nguyên nhân đích thực dẫn đến các tồn tại, hạn chế kéo dài để có các giải pháp có hiệu quả hơn nhằm bảo đảm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, trong bối cảnh hiện nay khi mà tổng cầu của thế giới và trong nước suy giảm.

Trong đầu tư công luôn đề cập đến tiến độ giải ngân, song đại biểu Lê Hữu Trí lưu ý vấn đề quan trọng là việc đầu tư phải đúng mục tiêu, từng công trình dự án phải phát huy hiệu quả và bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng áp lực giải ngân bằng mọi giá.

Điều này càng có ý nghĩa khi mà nguồn lực của đất nước có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật xã hội là rất lớn để đất nước phát triển theo kịp với các nước trong khu vực. Đồng thời, chúng ta cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi, tham nhũng và gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

Chuẩn bị đầu tư kém, dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án

Những vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công cũng là những vấn đề đại biểu Quốc hội Triệu Quang Huy (đoàn Lạng Sơn) quan tâm.

Theo đại biểu, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2023 có cải thiện so với các năm trước về số tuyệt đối nhưng chưa đạt như yêu cầu; cần tiếp tục chấn chỉnh, có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công như trong báo cáo của Chính phủ đã nêu.

Đầu tư công phải hiệu quả, tránh áp lực giải ngân bằng mọi giá
Đại biểu Triệu Quang Huy (đoàn Lạng Sơn)

Qua giám sát thực tế, đại biểu Quốc hội Triệu Quang Huy nêu một số vướng mắc cụ thể, như công tác chuẩn bị đầu tư, giao kế hoạch đầu tư hàng năm còn chậm và thiếu chủ động, công tác chuẩn bị đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công...

Về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án ODA chuyển tiếp, một số nội dung chưa được quy định chi tiết tại Luật Đầu tư công và các văn bản quy định hiện hành, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình rà soát thực hiện các thủ tục đầu tư đối với dự án ODA.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng; công tác tổng hợp thẩm định, giao kế hoạch và hướng dẫn triển khai thực hiện của các bộ, ngành trung ương có lúc chưa kịp thời....

Nhằm tăng hiệu quả đầu tư công, kích hoạt nhanh và hiệu quả đầu tư tư góp phần bảo đảm tăng trưởng, đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) đề nghị tăng bội chi để thực hiện các dự án đầu tư công có tác động lớn ngay đến đầu tư chung của nền kinh tế như: sớm đầu tư dự án đường sắt Lào Cai, cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép – Thị Vải. Đây là những dự án đã có kế hoạch đầu tư cần được đẩy nhanh đầu tư sớm hơn, tiền đề cho xây dựng ngành công nghiệp đường sắt quốc gia.

Để giảm đầu tư của Nhà nước, khắc phục việc thiếu điện, đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh đề nghị cho áp dụng quyết định về phát triển điện mặt trời để tổ chức, cá nhân mua đầu tư điện mặt trời và EVN mua điện này; đồng thời, đổi mới hoạt động EVN.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề xuất, các dự án từ nguồn vốn đầu tư ODA có tiến độ giải ngân chậm nhất do còn vướng nhiều thủ tục với bên vay. Do đó, cần nghiên cứu một số dự án lớn, chuyển từ vay ODA sang phát hành trái phiếu trong nước, giúp tăng lưu thông dòng tiền.