Muốn đưa sách giáo khoa vào mặt hàng định giá thì phải sửa luật Giá sách giáo khoa đã giảm từ 5% - 15% Giảm giá sách giáo khoa năm học 2024 - 2025

Đảm bảo thấp hơn mức giá do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định

Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu và đề xuất giải pháp đối với giá sách giáo khoa hàng năm thay đổi, giá sách tăng liên tục làm ảnh hưởng rất lớn đến những hộ gia đình khó khăn, không đủ điều kiện mua sách cho con em theo học.

Định giá sách giáo khoa bảo đảm quyền lợi người dân

Định giá sách giáo khoa nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh TL

Trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, Bộ Tài chính cho biết hiện nay, giá sách giáo khoa được quản lý theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Xuất bản, Luật Giá năm 2012 và văn bản hướng dẫn. Theo các quy định này, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá, mà thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá. Giá sách giáo khoa do các doanh nghiệp, nhà xuất bản tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Giá số 16/2023/QH15, trong đó đã đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa, các tổ chức, cá nhân kinh doanh sách giáo khoa định giá cụ thể không cao hơn mức giá do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và phải bảo đảm phù hợp với căn cứ, nguyên tắc, phương pháp định giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá, quy định tại Luật Giá số 16/2023/QH15.

Theo đó, kể từ ngày 1/7/2024 khi Luật Giá số 16/2023/QH15 có hiệu lực, sách giáo khoa sẽ được định giá theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ, lợi nhuận (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường, bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.

Định giá để kiểm soát giá sách giáo khoa

Giá sách giáo khoa đã trở thành vấn đề nóng trong những năm gần đây. Việc xuất hiện nhiều đơn vị cùng tham gia biên soạn và phát hành sách giáo khoa đã dẫn đến một số vấn đề gây nhiều tranh luận. Trong đó, giá sách theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao hơn giá sách Chương trình giáo dục phổ thông 2000 khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng.

Đã kê khai điều chỉnh giảm từ 5-15% giá sách giáo khoa
Việc kê khai giá góp phần làm giảm giá sách giáo khoa. Ảnh TL

Vừa qua, tại cuộc tọa đàm “Định giá để kiểm soát giá sách giáo khoa như thế nào?”, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, đã có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này.

Chính phủ ban hành Nghị quyết 32/NQ-CP ngày 20/3 về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí xuất bản, phát hành để giảm giá sách giáo khoa để khi kết thúc năm học 2024-2025; tiến hành tổng kết đánh giá việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa, việc Nghị quyết 32/NQ-CP của Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là một trong những nhiệm vụ đã được nêu trong Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, với một kế hoạch đầy đủ, cụ thể, bám sát chức năng nhiệm vụ sẽ là yếu tố quan trọng để các cơ quan liên quan, các bộ ngành trung ương, địa phương có thể triển khai thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng của quá trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, yêu cầu đặt ra là phải làm thế nào để kiểm soát được giá sách giáo khoa phù hợp với khả năng thanh toán của người dân nhưng cũng khuyến khích được các đơn vị xuất bản ra sách có chất lượng tốt nhất, thực hiện đúng chủ trương một chương trình nhưng nhiều sách giáo khoa.

TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo là sẽ xây dựng hướng dẫn thực hiện quy định về định giá để hướng dẫn cho đơn vị xuất bản, trên cơ sở đó định giá ra sách giáo khoa của mình, nhưng đồng thời cũng đưa ra mức tối đa của mỗi một loại sách giáo khoa đó. Đây là một nhiệm vụ nặng nề.

Để định giá sách giáo khoa, theo các chuyên gia kinh tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đánh giá, rà soát toàn bộ quy trình làm sách, từ biên soạn, thử nghiệm, thẩm định, tái thẩm định, in ấn, phát hành. Mỗi khâu đều phải xem xét tỉ mỉ, tính toán chính xác chi phí.

Cùng với đó là yếu tố thị trường vì nếu thị trường rộng, số lượng in lớn, giá sẽ rẻ hơn và ngược lại. Tiếp đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính toán đến nhu cầu, khả năng thành toán của người học ở mỗi vùng miền để có những bộ sách với giá thành tốt, ở mức phổ thông, phù hợp và thống nhất với nhu cầu của đa số học sinh./.

Đưa ra giá trần là hướng tới đối tượng người tiêu dùng

Trên thực tế, với 17,6 triệu học sinh phổ thông trên cả nước, thay đổi giá một cuốn sách giáo khoa không nhiều nhưng tổng kinh phí toàn xã hội bỏ ra là con số rất lớn. Do đó, Quốc hội đã nghiên cứu, xem xét và tính toán rất kỹ trước khi quyết định cần xác định giá trần cho sách giáo khoa.

Nhà nước định giá sách giáo khoa, đưa ra giá trần là đang hướng tới đối tượng người tiêu dùng, để họ không phải mua sách giáo khoa ở mức giá quá cao. Phía các nhà xuất bản, nhìn tổng thể chắc chắn cũng không bất lợi./.