Xử lý dứt điểm tình trạng chậm ban hành văn bản

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Đoàn giám sát nhận thấy, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng công phu, nghiêm túc. Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và các địa phương đã chủ động chuẩn bị đội ngũ nhà giáo; đề xuất nhiều giải pháp để bổ sung biên chế giáo viên.

Kiến nghị thanh tra công tác in, phát hành sách giáo khoa
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm kinh phí; ban hành và tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, hướng dẫn việc phân bổ, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí; bố trí, cân đối nguồn ngân sách và huy động các nguồn lực ngoài nhà nước để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, bảo đảm đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước…

Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã đề xuất 3 nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế và về tổ chức thực hiện. Trong đó, Đoàn giám sát kiến nghị nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Giáo dục; xây dựng Luật điều chỉnh về Nhà giáo; bổ sung, sửa đổi pháp luật liên quan (như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các luật về thuế)…

Kiến nghị thanh tra công tác in, phát hành sách giáo khoa
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Đồng thời, Đoàn giám sát kiến nghị giao Chính phủ xem xét trách nhiệm, xử lý dứt điểm tình trạng chậm ban hành, chưa ban hành văn bản, tham mưu ban hành văn bản có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong triển khai thực hiện; chỉ đạo thanh tra công tác in, phát hành sách giáo khoa của các nhà xuất bản, nhất là việc xác định, sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) sách giáo khoa.

“Chúng tôi chờ đón đợt giám sát này vì chúng tôi hiểu rằng, tự mình truyền thông và giải thích trước xã hội và trước Quốc hội rất nhiều cũng khó bằng sự ghi nhận và lan tỏa một cách khách quan thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội - cơ quan đại diện cao nhất cho toàn thể nhân dân.

Chúng tôi tự tin nói như vậy còn vì ngành Giáo dục với hơn một triệu nhà giáo đã làm rất nhiều việc rất thực chất, đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để tạo nên những chuyển biến có thực trong thực tế”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.

Thay mặt cho ngành Giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Quốc hội và UBTVQH trong việc triển khai hoạt động giám sát.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, thời gian qua ngành Giáo dục đã được ghi nhận với những đánh giá dẫu còn chừng mực, thận trọng của Đoàn giám sát, bởi quá trình đổi mới giáo dục phổ thông đang còn tiếp tục, chưa hoàn tất chu trình và chưa có sản phẩm đầu ra tổng thể và đầy đủ. Tuy nhiên, những ghi nhận của Đoàn giám sát đã khiến toàn ngành được động viên rất nhiều.

Từ năm 2019 tới năm 2023, ngành giáo dục vừa triển khai ứng phó với đại dịch Covid-19 vừa tiến hành cải cách giáo dục. Trong mục tiêu kép, nhiệm vụ kép, đạt được những gì như báo cáo của Đoàn giám sát đã ghi nhận là một nỗ lực phi thường của hàng triệu giáo viên và học sinh.

Kiến nghị thanh tra công tác in, phát hành sách giáo khoa
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Xây dựng thông tư về định giá tối đa sách giáo khoa

Đối với nhiều điểm Đoàn giám sát lưu ý và yêu cầu, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang tiến hành điều chỉnh.

Cụ thể như các hoạt động xuất bản và phát hành sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã và đang được điều chỉnh mạnh trong vài năm trở lại đây, theo hướng tăng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sách và tăng các biện pháp hỗ trợ học sinh. Chính phủ cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng thông tư thực hiện việc định giá tối đa sách giáo khoa để thực hiện khi Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá báo cáo giám sát đã cung cấp bức tranh tổng thể toàn diện và sâu sắc về tình hình đổi mới giáo dục phổ thông, có nhiều nội dung, giải pháp kiến nghị có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Thống nhất cao với việc đánh giá của Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải làm nổi bật tình hình giáo dục phổ thông tiếp tục có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng và rất đáng ghi nhận.

Về những mặt hạn chế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng ý kiến của Đoàn giám sát là có cơ sở. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, báo cáo giám sát đã chỉ ra 12 văn bản chậm tiến độ. Công tác tuyên truyền, quán triệt, đổi mới chương trình thực sự chưa thực sự hiệu quả và còn có nội dung chưa tạo được sự đồng thuận xã hội. Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thì chưa được tiến hành một cách thường xuyên, phạm vi còn hạn chế, chưa bao quát toàn diện, hiệu quả chưa cao.

Đối với vấn đề chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là chủ trương đúng, tuy nhiên cần phải đánh giá kỹ cách hiểu về Nghị quyết số 88/2014/QH13. Theo đó, xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nhưng vẫn phải bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục.

Sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá

Thông tin thêm tại phiên họp về giá sách giáo khoa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, theo quy định của pháp luật có liên quan, hiện tại sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá. Tuy nhiên, theo luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, sách giáo khoa sẽ được Nhà nước quy định giá tối đa.

Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp, nhà xuất bản tự quy định giá, căn cứ vào đăng ký giá của các nhà xuất bản, tỷ lệ chiết khấu của các nhà xuất bản này có giảm dần theo thời gian. Đến năm 2022, 2023, tỷ lệ chiết khấu của 2 đơn vị là Nhà xuất bản Giáo dục và Công ty cổ phần đầu tư xuất bản thiết bị giáo dục Việt Nam chỉ ở mức 21 đến 22,5% chi phí.

Liên quan tới kinh phí, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho hay trước đây đã có chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về giáo dục trong đó có hỗ trợ hạ tầng, trang thiết bị cho giáo dục. Đến giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta thực hiện chủ trương lồng ghép ba CTMTQG về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững. Trong các CTMTQG này đều có các nội dung về hỗ trợ kinh phí cho giáo dục…

Ngoài ra, đối với kinh phí chi thường xuyên, hàng năm ngân sách trung ương đã hỗ trợ khoảng 3.500 tỷ đồng cho chi phí giáo dục, bao gồm có cả cái hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng chính sách.