Đây là khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách tại tọa đàm “Tận dụng cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu” tổ chức ngày 25/10/2023.

Tại toạ đàm, ông Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng ban Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, các cam kết quốc tế như: cam kết về giảm phát thải dòng bằng 0, cam kết về giảm phát thải metan toàn cầu hay là cam kết liên quan đến chấm dứt tình trạng phá rừng, đặc biệt là rừng nhiệt đới… đều sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.

Doanh nghiệp dệt may, nông sản xuất khẩu trước thách thức quy định giảm phát thải và carbon

DN dệt may quan tâm nhiều hơn đến áp dụng cộng nghệ sản xuất thân thiện môi trường trước các quy định mới về giảm phát thải, carbon của EU. Ảnh: Hải Anh

Ông Nguyễn Sỹ Linh lấy ví dụ, một số thị trường lớn như thị trường châu Âu đã đề cập đến những quy định liên quan đến dấu vết carbon hay là chuyển dịch năng lượng.

Thời gian qua, doanh nghiệp ngành may Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều do các đơn hàng dịch chuyển sang một quốc gia khác là Banglasdesh.

"Cũng một quốc gia đang phát triển nhưng mà họ đã chuyển dịch năng lượng theo hướng là năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và ít phát thải hơn, nên rất nhiều đơn hàng về dệt may thay vì sản xuất ở Việt Nam thì đã chuyển sang Bangladesh” - ông Nguyễn Sỹ Linh nói.

Một ví dụ khác là liên quan đến cam kết vừa bảo tồn đa dạng sinh học, vừa hạn chế phá rừng. Mặc dù Việt Nam đã cam kết nhưng hiện tượng phá rừng vẫn xảy ra. Do đó, ông Nguyễn Sỹ Linh cho rằng, xuất khẩu ca cao, cà phê sang các thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ… sẽ bị ảnh hưởng.

Với cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới CBAM của Liên minh châu Âu, trước mắt sẽ có 5 mặt hàng chính, trong đó có những mặt hàng liên quan đến phân bón, xi măng, sắt, thép… sẽ bị điều chỉnh về carbon và đánh thuế carbon… kể từ đầu tháng 10/2023.

Để ứng phó với nguy cơ chuyển dịch đơn hàng do EU áp các tiêu chuẩn về giảm phát thải và carbon, ông Hoàng Văn Tâm - Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công thương) cho biết, hiện nhiều tập đoàn thời trang, dệt may lớn trên toàn cầu đã đặt ra những mục tiêu, cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và bắt buộc những chuỗi cung ứng đặt ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam cũng phải tuân thủ.

Các vấn đề liên quan doanh nghiệp phải quan tâm là: báo cáo phát thải khí nhà kính, tính toán dấu vết phát thải carbon trong chuỗi sản xuất, cung ứng…

Ông Hoàng Văn Tâm cho biết thêm, đứng trước thách thức yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu, doanh nghiệp ngành thép và xi măng hiện rất quan tâm đến cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới do ngành sản xuất phát thải lớn. Từ đó có kế hoạch đầu tư cho sản xuất, đáp ứng nhà nhập khẩu, bạn hàng tại thị trường EU.