Việt Nam hút gần 18,4 tỷ USD vốn FDI trong 5 tháng Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn về 5 vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng: Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bằng cả thể chế và nguồn lực

Chiều 19/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài chính, với nhiều đại biểu dành thời gian tập trung thảo luận về các nội dung liên quan đến thu hút vốn FDI.

Thu hút FDI phải gắn với đào tạo nhân lực

Theo đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai), bên cạnh vấn đề thu hút đầu tư FDI, cử tri rất mong mỏi Nhà nước cũng quan tâm đến quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp FDI.

Việt Nam đang tái định hình chiến lược thu hút vốn FDI
Ông Nguyễn Công Long (đại biểu tỉnh Đồng Nai) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp FDI nhằm tối đa hóa lợi nhuận không chú trọng đến công tác đào tạo, mà chủ yếu tận dụng tối đa nguồn lao động sẵn có trong nước và đẩy gánh nặng đào tạo nguồn nhân lực cho Nhà nước cũng như cho địa phương. Trong sử dụng lao động, các doanh nghiệp thường dùng các chiêu thức như: hợp đồng thử việc, sau đó sa thải người lao động, đặc biệt là người lao động có tuổi, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người lao động.

Trả lời đại biểu, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, FDI đã và đang đóng góp vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Vốn FDI góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập; chuyển giao khoa học - công nghệ…, Việt Nam cũng có nhiều chính sách đúng đắn, phù hợp thu hút nguồn vốn FDI, góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa đất nước.

Khu vực FDI hiện đang thu hút 5,1 triệu lao động, chiếm gần 10% tổng số lao động Việt Nam, chiếm 20% tổng lao động làm công ăn lương của Việt Nam. Bên cạnh tạo việc làm trực tiếp, khu vực FDI còn gián tiếp tạo việc làm cho nhiều lao động khác.

Trong đó, có 57% doanh nghiệp FDI có đào tạo cho người lao động, cùng mức lương bình quân của lao động làm việc khu vực FDI cao hơn so với khu vực Nhà nước hoặc khu vực ngoài nhà nước. Điều này góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động trong doanh nghiệp FDI, tạo hiệu ứng tích cực, thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung ở Việt Nam thông qua việc dịch chuyển lao động từ khu vực FDI sang các khu vực còn lại.

Bên cạnh những đóng góp rất lớn trong tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu và thu ngân sách, trong khu vực FDI cũng có doanh nghiệp có vấn đề trong tuyển dụng và sử dụng lao động.

Tuy nhiên, còn 43% doanh nghiệp FDI chưa có kế hoạch đào tạo cho người lao động. Đây là vấn đề chúng ta cần phải quan tâm. Để bảo vệ và cải thiện chất lượng lao động khu vực FDI, Bộ trưởng cho rằng, cần tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh. "Vấn đề đào tạo lao động phải được đưa vào là một điều kiện thu hút các doanh nghiệp FDI" - Bộ trưởng nêu rõ.

Việt Nam sẽ ưu tiên đối tác đầu tư vào một số ngành, sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị lớn, bảo vệ tốt hơn các nhóm lao động, đặc biệt là lao động yếu thế trong thị trường lao động.

Thu hút FDI có chọn lọc, ưu tiên dự án công nghệ cao

Trước đó, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về chủ trương thu hút FDI, đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (tỉnh Hà Nam) cho biết, một trong những ưu điểm nổi bật của nguồn vốn FDI so với các nguồn vốn khác, đó là đi kèm theo chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển, năng lực đổi mới sáng tạo. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến cải thiện khoa học, công nghệ tại Việt Nam và giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển giao công nghệ qua các dự án FDI trong thời gian tới.

Đại biểu Mai Văn Hải (tỉnh Thanh Hoá) cũng đề nghị Bộ trưởng làm rõ xu hướng đầu tư trên thế giới hiện nay và cho biết định hướng thu hút đầu tư FDI của Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị, địa kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu có nhiều biến đổi phức tạp, nhiều quốc gia đang điều chỉnh chính sách để thu hút đầu tư FDI chất lượng cao.

Việt Nam đang tái định hình chiến lược thu hút vốn FDI
Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn.

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với chiến lược thu hút đầu tư phù hợp

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, xu hướng đầu tư toàn cầu hiện nay là tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo hay kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. Ở khu vực Châu Á, đặc biệt ASEAN đang nổi lên như là ưu tiên hàng đầu của một số các tập đoàn đa quốc gia. Khu vực có tăng trưởng tích cực, môi trường đầu tư được cải thiện mạnh mẽ và lợi thế về chi phí và nhân công. Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư quốc tế nhờ chiến lược thu hút FDI phù hợp.

Trả lời đại biểu về lợi thế thu hút đầu tư của nước ta, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam có chính trị ổn định, môi trường đầu tư thuận lợi. Dòng vốn FDI vào Việt Nam hiện đang duy trì rất tích cực, bất chấp rất nhiều những tác động bất lợi bên ngoài.

Tính đến cuối tháng 5, cả nước đã có gần 44.000 dự án FDI và tổng vốn đăng ký đạt 517 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế đạt 331,5 tỷ USD, bằng 64,6% vốn đăng ký. Khu vực FDI đóng góp khoảng 20,5 tỷ USD vào ngân sách nhà nước năm 2024, tăng 12% và chiếm 24,7% tổng thu ngân sách.

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế, Việt Nam đang định hình một chiến lược cạnh tranh riêng để thu hút đầu tư FDI vào phát triển bền vững. Chiến lược cạnh tranh là chuyển trọng tâm từ ưu đãi thuế sang nâng cao chất lượng môi trường đầu tư và dịch vụ hỗ trợ, chú trọng phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế đồng bộ, đảm bảo nguồn điện, quỹ đất sạch, nhân lực chất lượng cao, cải cách mạnh thủ tục hành chính sau cấp phép.

Về định hướng thu hút FDI trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, để đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045, chúng ta cần phải chuyển dịch trọng tâm thu hút FDI có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, thay vì chạy theo số lượng bằng mọi giá.

"Các đối tác chiến lược như: nhóm G7, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hoa Kỳ hay EU tiếp tục là trọng tâm xúc tiến thu hút đầu tư, gắn với những lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích phát triển" - Bộ trưởng nêu rõ.

Cũng theo Bộ trưởng, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam và chương trình phát triển nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030. Mục tiêu là đào tạo tới 50.000 nhân lực cho toàn chuỗi giá trị của ngành này. Cùng với đó, xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước mua lại hoặc sáp nhập các công ty nước ngoài sở hữu công nghệ nguồn; kết nối với các doanh nghiệp FDI để học hỏi kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số.

"Toàn bộ giải pháp về công nghệ và nhân lực này nhằm đảm bảo cho dòng vốn FDI vào Việt Nam thực sự sẽ trở thành những cú hích mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo nội địa và giúp cho doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn lên trong chuỗi giá trị./.