Tập trung vào lĩnh vực thông tin truyền thông

Tính lũy kế đến 31/12/2014 đã có 930 dự án đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) với tổng vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư Việt Nam là 14,85 tỷ USD, điều chỉnh tăng vốn cho 92 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 4,93 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư đăng ký (cả cấp mới và tăng thêm) là 19,78 tỷ USD.

Riêng trong năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận 153 hồ sơ dự án ĐTRNN, đã cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 109 dự án đầu tư sang 28 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam trên 1,047 tỷ USD. Đồng thời điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 22 dự án với tổng vốn tăng thêm đạt 739 triệu USD. Tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài (gồm cả cấp mới và tăng vốn) đạt trên 1,786 tỷ USD.

Các dự án tập trung chủ yếu vào thị trường Campuchia với 23 dự án (chiếm 21% tổng số dự án), Myanmar với 16 dự án (14,7%); Lào với 13 dự án (12%); Hoa Kỳ với 12 dự án (11%) và Singapore với 9 dự án (8,2%).

Về quy mô vốn đầu tư cấp mới, lớn nhất là Tanzania (chỉ có 1 dự án nhưng chiếm 34% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam). Thứ hai là thị trường Campuchia (chiếm 31,1% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam). Thứ ba là Burundi (chỉ có 2 dự án chiếm 16,2% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam).

doanh nghiep

Vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài tập trung vào lĩnh vực truyền thông. Ảnh: ĐT

Về lĩnh vực đầu tư, vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực thông tin truyền thông (54,3%), nông-lâm nghiệp và thủy sản (27,5%), khai khoáng (6%). Nhìn chung, các dự án quy mô lớn tập trung trong các lĩnh vực viễn thông, nông - lâm nghiệp tập trung tại Lào, Campuchia và một số nước thuộc châu Âu, châu Phi, phù hợp với các lĩnh vực và địa bàn ưu tiên đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Đặc biệt, đã có xu hướng đầu tư sang các thị trường mới nổi, nhiều tiềm năng.

Vốn thực hiện còn thấp

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, về tình hình thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài, trong năm 2014, ước vốn thực hiện đạt khoảng 1 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê hiện có, vốn thực hiện lũy kế đến năm 2014 đạt khoảng 6 tỷ USD, chiếm trên 30,6% tổng vốn đăng ký ĐTRNN. Trong đó, lĩnh vực dầu khí có số vốn thực hiện lớn nhất đạt khoảng 2,9 tỷ USD; lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên 660 triệu USD; lĩnh vực thủy điện đạt khoảng trên 500 triệu USD; lĩnh vực thông tin truyền thông đạt 450,6 triệu USD; lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đạt trên 230 triệu USD…

Tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư ra nước ngoài, có một phần đáng kể vốn được thực hiện trong nước (không chuyển ra nước ngoài). Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn cao su Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản, Viettel… một phần vốn đầu tư ra nước ngoài được thực hiện để trả cho các nhà thầu của Việt Nam hoặc mua hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam để chuyển ra nước ngoài thực hiện dự án.

Đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, đầu tư ra nước ngoài trong năm 2014 vẫn duy trì tỷ lệ vốn đăng ký ổn định, so với cùng kỳ năm trước, số lượng dự án tăng 10%, tuy nhiên tổng vốn đăng ký giảm 10% do các dự án chủ yếu là quy mô nhỏ, tập trung về thương mại, dịch vụ.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam ngày càng đa dạng, xu hướng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng, chiến lược đầu tư tập trung vào các lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư thấp, khả năng quay vòng vốn nhanh, nhanh chóng đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Trung Ninh