Số đơn thư gửi đến các cơ quan của Quốc hội tăng 23,8%

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân rất vui mừng và phấn khởi trước tình hình kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu, chỉ số cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về tình trạng bạo hành trẻ em, bắt cóc trẻ em để tống tiền gây bức xúc, hoang mang trong xã hội trong thời gian gần đây; tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng công tác nhân đạo, từ thiện để trục lợi; tình trạng người lao động đề nghị giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục gia tăng; hiện tượng trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp ngày càng trở lên phổ biến; tình trạng công nhân ngừng việc tập thể vẫn còn tiếp diễn…

Đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo gửi đến Quốc hội tăng so với năm 2022
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tại phiên họp.

Đối với việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023, theo Trưởng Ban Dân nguyện, tình hình công dân đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tăng so với năm 2022.

Tỷ lệ trả lời kiến nghị cử tri đạt 89,5%

Về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.474 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 89,5%

Các cơ quan đã tiếp 5.844 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 5.468 vụ việc và có 277 lượt đoàn đông người. Trong đó, riêng tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội (chủ yếu là tại Hà Nội) số lượt công dân đến tăng 752 lượt người với 877 vụ việc và 48 lượt đoàn đông người so với năm 2022 (tăng 2,1 lần về số lượt công dân; 2,6 lần về số vụ việc).

Qua tiếp công dân, đã ban hành 986 văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn bằng văn bản đối với 319 đơn; trực tiếp giải thích, thuyết phục, vận động 4.153 lượt công dân chấp hành các bản án, kết luận, quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.

Số lượng đơn thư của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội cũng tăng 23,8% so với năm 2022, cụ thể là 33.334 đơn thư. Qua nghiên cứu 13.229 đơn đủ điều kiện xử lý, các cơ quan đã chuyển 5.001 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tăng 676 đơn so với năm 2022; đã ban hành văn bản hướng dẫn, trả lời công dân đối với 1.326 đơn; tiếp tục nghiên cứu, xử lý 1.186 đơn và lưu theo dõi 5.716 đơn.

Tỷ lệ trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 5 chưa đạt yêu cầu

Trong phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đến nay, tỷ lệ trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 5 chưa đạt yêu cầu đề ra, có sự sụt giảm trong tương quan so sánh với việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 4, do đó cần phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân, tháo gỡ khúc mắc.

Bên cạnh đó, cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện những cam kết đã đưa ra, để hạn chế các trường hợp chưa thực hiện, hoặc thực hiện không trọn vẹn cam kết, đặc biệt là trong các vấn đề cụ thể như quản lý, phát triển các cụm công nghiệp, sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu, hệ thống xử lý dữ liệu camera trong kinh doanh vận tải.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, người dân rất mong chờ vào kết quả giải quyết các đơn thư, kiến nghị, bởi đây đều là những vấn đề có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, có một số quy trình giải quyết đơn thư, khiếu kiện còn kéo dài, nên người dân phải chờ đợi lâu, dẫn tới tâm lý thiếu tin tưởng vào trách nhiệm và thẩm quyền, tính nghiêm minh của pháp luật.

Đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo gửi đến Quốc hội tăng so với năm 2022
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc trả lời kiến nghị của cử tri là công tác rất quan trọng mà Bộ chú trọng, tập trung chỉ đạo. Tuy nhiên, có một số nội dung kiến nghị trả lời chậm hơn so với yêu cầu, bởi cần có thời gian để các cơ quan chuyên môn tổng hợp thông tin. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nghiêm túc khắc phục, đẩy nhanh tiến độ trả lời kiến nghị cử tri đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.

Liên quan đến trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, theo báo cáo của Ban Dân nguyện, có 117/263 ý kiến của cử tri mà Bộ LĐ,TB&XH và cơ quan liên quan trả lời chậm, trong đó các ý kiến chủ yếu về giải quyết chính sách về hưu trí, chính sách lao động, chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng với đại dịch COVID-19.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, nguyên nhân của việc chậm trả lời chủ yếu do hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng lâu và kéo dài qua nhiều thời kỳ lịch sử, cán bộ chiến sĩ tham gia chống Pháp không có văn bản giấy tờ và một số người đã mất lâu nên gia đình không có thông tin hoặc rất ít thông tin nên việc xác minh để trả lời công dân về các hồ sơ giải quyết chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng kéo dài.

Ngoài ra, đối với chính sách hỗ trợ đối với người dân, người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thường mức hỗ trợ nhỏ, thấp, lại liên quan đến quyết định về cách ly, khu vực cách ly không rõ nên quá trình trả lời các chính sách cũng này mất nhiều thời gian.

Bộ LĐ,TB&XH sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm trong quá trình đôn đốc triển khai các cơ quan đơn vị trả lời tiếp tục trả lời nhanh hơn và khoa học, hợp lý hơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi khẳng định.

Đầu năm 2024 sẽ cập nhật danh mục thuốc chữa bệnh bảo hiểm y tế

Về vấn đề sửa đổi danh mục thuốc chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có danh mục thuốc tương đối đầy đủ và toàn diện so với mức phí bảo hiểm y tế. Danh mục thuốc BHYT của Việt Nam được ghi dưới dạng hoạt chất, thành phần, không ghi hàm lượng, dạng bào chế và tên thương mại. Do vậy việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ BHYT thanh toán tại các cơ sở khám, chữa bệnh không bị giới hạn bởi các chủng loại thuốc, giá cả thuốc, mà căn cứ vào mô hình bệnh tật để các cơ sở y tế xây dựng danh mục thuốc tại đơn vị.

Theo Bộ trưởng, Bộ Y tế đang chỉ đạo Cục BHYT rà soát, cập nhật các danh mục thuốc, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, việc cập nhật danh mục thuốc còn liên quan đến việc đánh giá sự an toàn, tác động với Quỹ BHYT. Bộ đang tích cực phối hợp với các bộ ngành để rà soát danh mục này định kỳ. Theo dự kiến, đầu năm 2024 sẽ có văn bản cập nhật về vấn đề này.