Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung |
Số lượng đơn thư liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp vẫn lớn
Báo cáo từ Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, trong 9 tháng qua, Bộ Tài chính đã tiếp nhận 1.446 đơn khiếu nại, trong đó có 1.024 đơn thuộc thẩm quyền. Nội dung đơn khiếu nại tập trung chủ yếu liên quan đến việc vi phạm trong việc phát hành và thanh toán trái phiếu doanh nghiệp; thu thuế, ấn định thuế không đúng quy định...
Đồng thời, Bộ Tài chính đã tiếp nhận 2.718 đơn tố cáo, trong đó có 789 đơn thuộc thẩm quyền. Nội dung đơn tố cáo chủ yếu liên quan đến việc một số công ty bảo hiểm bán bảo hiểm qua kênh đối tác ngân hàng không đúng quy định của pháp luật; sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính… Phần lớn đơn tố cáo là đơn trùng lặp, không ghi tên, không có chữ ký, không ghi địa chỉ rõ ràng, nội dung tố cáo chung chung, không có bằng chứng, chứng cứ cụ thể.
Đơn cử như đối với cơ quan Thuế, một số người nộp thuế chưa có ý thức cao trong việc quan tâm, nghiên cứu tìm hiểu các văn bản pháp luật về thuế. Vì thế, khi có sự thay đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản pháp luật mới, mặc dù cơ quan thuế có tổ chức tập huấn theo quy định nhưng người nộp thuế tham gia chưa đầy đủ hoặc có tham gia nhưng chưa tập trung tiếp thu hết nội dung được tập huấn. Từ đó, dẫn đến thực hiện sai quy định pháp luật về thuế (như vi phạm trong thực hiện kê khai thuế do không nắm rõ quy định pháp luật,...) khi cơ quan Thuế phát hiện xử lý thì gửi đơn khiếu nại. Có tình trạng gửi đơn tố cáo không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức.
Theo báo cáo từ Thanh tra Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay, số lượng đơn thư liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp vẫn lớn. Đa phần đơn thư có nguyên nhân từ việc không hoặc chậm được thanh toán gốc, lãi; trái phiếu trong vụ án đã khởi tố, dẫn đến tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc gửi đơn yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) can thiệp với cơ quan điều tra hoặc tổ chức phát hành để được hoàn trả tiền gốc, lãi. Trong khi đó, UBCKNN không quản lý, cấp phép, không có thẩm quyền và khả năng can thiệp buộc hoàn trả tiền gốc lãi trái phiếu. Do vậy, UBCKNN chỉ có thể xem xét nội dung, xác định thẩm quyền, phân loại và chuyển đơn đến cơ quan điều tra, tổ chức phát hành hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác để được xem xét, giải quyết.
Chú trọng công tác tiếp công dân
Ông Trần Huy Trường, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, để hạn chế các khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại, tố cáo vượt cấp, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành duy trì, thực hiện tốt hoạt động của số điện thoại đường dây nóng, hòm thư điện tử và bộ phận một cửa để tiếp nhận, giải quyết kịp thời các kiến nghị, vướng mắc, phản ảnh, tố cáo của người dân, đơn vị, tổ chức. Đồng thời, Bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành Tài chính làm tốt công tác tiếp công dân; đối thoại với người dân, doanh nghiệp.
Tổ chức 131 cuộc thanh, kiểm tra tại 134 đơn vị Tính chung 9 tháng 2024, Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ đã tổ chức 131 cuộc thanh, kiểm tra tại 134 đơn vị. Kết quả cho thấy, các đơn vị cơ bản tuân thủ quy định tại Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính. |
Trong 9 tháng qua, Bộ Tài chính đã tổ chức tiếp công dân tại trụ sở 535 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Cụ thể, cơ quan Bộ Tài chính tiếp 50 lượt người. Cấp tổng cục (các cơ quan tổng cục, các cục và chi cục ở địa phương) tiếp 485 lượt người.
Công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở cơ quan Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ đều được tiếp đón, hướng dẫn tận tình, chu đáo và xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Tài chính, nhiều vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng quy định pháp luật, nhưng người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục khiếu nại lên cấp trên hoặc chuyển sang tố cáo đối với người giải quyết khiếu nại nhưng không cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ mới; không thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án.
Dự báo đến cuối năm 2024, nếu các kiến nghị của công dân chậm được giải quyết thì tình hình khiếu nại, tố cáo còn phức tạp, như: các kiến nghị của công dân, số trái chủ, chủ sở hữu trái phiếu đã mua của một số tập đoàn đã bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam một số lãnh đạo (FLC, Vạn Thịnh Phát...); kiến nghị của một số công dân gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng nhưng lại bị chuyển thành hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ tại một số công ty bảo hiểm cùng với việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể phục hồi ngay trong năm 2024. Bên cạnh đó là việc chậm trả nợ gốc, lãi trái phiếu có thể tiếp tục gia tăng với áp lực tập trung năm 2024, 2025...
Ông Trần Huy Trường cho biết, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục theo dõi, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn lớn và nhóm các doanh nghiệp có khó khăn trong thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn; yêu cầu các doanh nghiệp ưu tiên mọi nguồn lực, có trách nhiệm đến cùng về việc thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu theo hợp đồng đã ký kết và đảm bảo an ninh trật tự. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, trường hợp cần thiết chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát tổng thể, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, sửa đổi quy định pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về chứng khoán có liên quan đến phát hành trái phiếu riêng lẻ. Bên cạnh đó, công tác quản lý, giám sát thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, chia sẻ thông tin để các bộ, ngành phối hợp quản lý và thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật tiếp tục được tăng cường.
Giải quyết khiếu kiện về trái phiếu doanh nghiệp Qua công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chú trọng đến một số nội dung như: Đề xuất với các cơ quan bảo vệ pháp luật đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm thời gian vừa qua. Đối với những vụ việc đã có bản án cần khẩn trương tổ chức thi hành án, sớm có phương án xử lý, tạo điều kiện thanh toán tiền cho nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, góp phần sớm giải quyết, ổn định tâm lý thị trường. Đối với trái phiếu do các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán tư vấn cho khách hàng cá nhân mà không cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về trái phiếu, các tổ chức tư vấn, phải có trách nhiệm với nhà đầu tư để đảm bảo uy tín của mình và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm việc doanh nghiệp chây ì không trả nợ và các trường hợp lợi dụng gây rối an ninh trật tự. Ngoài ra, bổ sung quy định điều kiện xem xét lại đơn khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại về hành chính, đã có hiệu lực pháp luật, đã hết thời hiệu khởi kiện ra tòa án nhân dân nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại; quy định bổ sung việc đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại trong trường hợp do thiên tai, dịch bệnh dẫn đến không tiến hành xác minh được; vụ việc phải đối thoại nhưng người khiếu nại xin hoãn vì lý do chính đáng... |