Chính sách tài khóa hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng

Ở thời điểm này, khi nền kinh tế đã đi qua 1/4 chặng đường, GDP quý I/2024 của Việt Nam tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước. Theo các chuyên gia kinh tế, điều này rất đáng khen ngợi trước bối cảnh của kinh tế thế giới hiện nay.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Shantanu Chakraborty nhận định, mức tăng trưởng GDP trong quý vừa qua là minh chứng cho khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và là một trong những mức tăng trưởng tốt nhất trong khu vực.

Kinh tế tăng trưởng có sự đóng góp quan trọng của chính sách tài khóa. Điều đáng nói, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, khi vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN, vừa hỗ trợ doanh nghiệp bằng gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí.

Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương trong quý I/2024 được đảm bảo. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán, tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2023.

Duy trì chính sách tài khóa nhân văn, sẻ chia với doanh nghiệp
Chính sách tài khóa hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp, là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế.

Đáng chú ý, hầu hết các khoản thu nội địa đều đạt khá (trên 25%) so dự toán. Số thu trên địa bàn, ước tính có 29/63 địa phương thực hiện thu nội địa quý I đạt trên 30% dự toán; 52/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ.

Cải cách thể chế các thị trường tài chính, củng cố niềm tin nhà đầu tư

Ngoài lĩnh vực ngân sách, Bộ Tài chính cũng thực hiện nhiều biện pháp cải cách thể chế đối với các thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp củng cố niềm tin thị trường, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp phát hành và các nhà đầu tư thỏa thuận các giải pháp giãn nợ, thay đổi hình thức thanh toán phù hợp.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính. Ngoài ra, cơ cấu lại chi đầu tư công; tập trung nguồn lực bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách các công trình trọng điểm quốc gia, phấn đấu giải ngân đầu tư công cao hơn năm trước, hạn chế tối đa tình trạng chuyển nguồn.

Về chi NSNN, các nhiệm vụ chi ngân sách trong quý I được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.

Duy trì chính sách tài khóa vì dân

Trong suốt 4 năm qua, khi bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng mạnh mẽ tới kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, Bộ Tài chính đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa vì dân.

4 năm qua (2020 - 2023), Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều gói hỗ trợ giãn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng.

Điều đáng nói là những gói hỗ trợ lớn chưa từng có trong lịch sử của ngành Tài chính lại được triển khai trong bối cảnh “khó chồng khó”. Khi doanh nghiệp khó khăn, kinh tế suy giảm, sức mua kém sẽ đồng nghĩa với việc nguồn thu về cho ngân sách nhà nước (NSNN) lập tức bị đe dọa.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã duy trì chính sách tài khóa khôn khéo, thực hiện linh hoạt, hiệu quả và triển khai nhiều giải pháp tăng thu NSNN ở những địa bàn, lĩnh vực lâu nay chưa thu được, cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số, đẩy mạnh hóa đơn điện tử, thu trên nền tảng số…, nhằm tăng thu về cho NSNN.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế quý I đạt khá, nhưng dự báo tình hình thế giới và trong nước diễn biến ngày càng phức tạp, khó khăn trên diện rộng, tiếp tục tác động tới nền kinh tế, đời sống của người dân và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nộp thuế điện tử 24/7 qua VietinBank trên eTax Mobile
Cơ quan thuế đẩy mạnh cải cách gắn với chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá tổng kết và trên cơ sở đó xây dựng các giải pháp đảm bảo điều hành chính sách tài khóa một cách hiệu quả, hợp lý.

Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đây là những giải pháp rất hợp lý, nguồn lực đáng kể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mặc dù chính sách tài khóa thời gian tới vẫn còn nhiều thách thức.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, những giải pháp tháo gỡ khó khăn nêu trên là những chia sẻ, động viên và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp vừa là trung tâm vừa là động lực của phát triển kinh tế, nên nếu doanh nghiệp phát triển thì nền kinh tế sẽ phát triển, chính sách tài khóa ngày càng vững mạnh. Vì vậy, các chính sách của Bộ Tài chính đều hướng về doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục các giải pháp thực hiện chính sách miễn, giãn, giảm thuế, phí.

Đáng lưu ý, trong năm 2024, cơ quan quản lý khẩn trương tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% vừa được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Đồng thời, Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã áp dụng của năm 2023. Ước tính số tiền miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 3 tháng đầu năm 2024 khoảng 20,6 nghìn tỷ đồng.

Cùng với việc miễn, giảm thuế phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Bộ Tài chính tiếp tục cải cách trên mọi mặt, gồm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn.

Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Duy trì chính sách tài khóa nhân văn, sẻ chia với doanh nghiệp
TS. Cấn Văn Lực

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực:

Chính sách tài khóa tiếp tục là trụ cột cho tăng trưởng

Kết quả tăng trưởng tiếp tục tạo đà và là nền tảng để kỳ vọng một năm phục hồi bùng nổ trong năm nay, cũng như hứa hẹn có nhiều khả năng tiếp tục là một trong những nước tăng trưởng vượt trội ở châu Á. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service cũng nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2 với triển vọng ổn định.

Trong thành công chung đó, có sự đóng góp không nhỏ và được đánh giá là “trụ cột” cho tăng trưởng, đó là sự góp sức của ngành Tài chính. Điều này cũng đã được người đứng đầu Chính phủ khẳng định, “những thành tựu của đất nước có đóng góp quan trọng của ngành Tài chính”.

“Sức mạnh” trong việc thực hiện chính sách tài khóa đến từ việc Chính phủ, Bộ Tài chính đã duy trì một lập trường tài khóa khôn khéo, khi thực hiện miễn, giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí, nhưng cái được lớn hơn là doanh nghiệp phục hồi, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và quay trở lại đóng góp cho nguồn thu ngân sách. Nhiều chính sách hỗ trợ này tiếp tục được duy trì trong năm 2023 này và do đó, chính sách tài khóa vẫn được coi là bệ đỡ, là trụ cột cho tăng trưởng.

Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt và kịp thời. Vai trò các chính sách tài khóa đã thể hiện rõ trên nhiều phương diện, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng, vừa tiếp tục cơ cấu lại NSNN theo hướng bền vững, đảm bảo bội chi và nợ công trong ngưỡng an toàn, giữ vững an ninh tài chính quốc gia. Chính sách tài khóa với giảm, giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, giúp ổn định chi phí đầu vào cho doanh nghiệp đã giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi tích cực.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay đối với chính sách tài khóa là phải giải bài toán tổng thể, bởi chính sách điều hành hôm nay không chỉ ngắn hạn mà cần phải căn cơ, dài hạn, bài bản, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vừa đảm bảo an toàn hệ thống, hỗ trợ tăng trưởng.

Duy trì chính sách tài khóa nhân văn, sẻ chia với doanh nghiệp
PGS.TS Vũ Sỹ Cường

PGS.TS. Vũ Sỹ Cường - chuyên gia kinh tế:

Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, thận trọng

Các gói hỗ trợ giảm thuế, nhất là giảm thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã có tác dụng tốt với việc kiềm chế lạm phát của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2023. Gói hỗ trợ tài khóa đã góp phần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; nợ công và nợ được khu vực công bảo lãnh vẫn ở mức bền vững, ổn định quanh khoảng 36% GDP trong năm 2023 trước khi giảm xuống khoảng 34,4% vào năm 2025.

Tuy nhiên, phân tích chính sách tài khóa năm 2021 - 2023 và giai đoạn gần đây cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết cả trong ngắn và dài hạn. Theo đó, ngoài chính sách miễn giảm thuế có tác dụng rõ rệt thì các chính sách khác còn khá mờ nhạt.

Chi đầu tư giữ vai trò quan trọng trong gói hỗ trợ tài khóa song tiến độ giải ngân rất chậm; nhiều khoản chi đầu tư từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội vẫn chưa thể giải ngân.

Chính sách tài khóa cho năm 2024 và trung hạn đến 2030, cần có giải pháp chính sách nâng cao năng lực theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành dự toán. Cần tiếp tục thực hiện các biện pháp chủ động, quyết liệt và tích cực trong việc tiết kiệm chi tiêu từ NSNN, phối hợp các bộ ngành và địa phương trong lập và chấp hành dự toán chi đầu tư. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quản lý và phân bổ chi đầu tư công cần tiếp tục được thực hiện để phù hợp hơn với điều kiện thực thi chính sách ở Việt Nam.

Việc quy định rõ ràng về trách nhiệm, trách nhiệm giải trình và phân cấp quản lý chi đầu tư chính luôn là hết sức cần thiết. Đặc biệt, cần rất chú trọng đến việc lập kế hoạch và giải ngân đầu tư công để tránh tình trạng ”no dồn, đói góp” trong chi đầu tư. Trong đó, cũng cần tháo gỡ các quy định ảnh hưởng đến giải ngân chi đầu tư nói chung và chi đầu tư từ nguồn vốn ODA nói riêng.

Ông Tô Hoài Nam
TS. Tô Hoài Nam

TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Cần kéo dài và bổ sung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Các chính sách gia hạn, giảm thuế đã hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền do tạm thời chưa phải nộp thuế. Cùng đó, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các chính sách thuế đi vào cuộc sống đã góp phần làm giảm chi phí cho doanh nghiệp, giúp giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước; trong đó người dân được hưởng lợi.

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục giải “bài toán khó” là triển khai chính sách tài khóa mở rộng hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

Tăng trưởng kinh tế quý I có một số dấu hiệu tích cực, song hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ở mức lớn, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) vẫn ở mức thấp. Do đó, cần kéo dài và bổ sung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là tháo gỡ những điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh, tiếp tục giảm thuế, phí và đẩy mạnh chương trình kích cầu.

Hiện nay, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng không hề dễ dàng. Đồng thời, các rào cản về thủ tục hành chính tuy đã được cải thiện đáng kể song vẫn còn trở ngại, làm gia tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp.