Trong tháng 3, chỉ số giá ngũ cốc của FAO giảm 5,6% so với tháng trước đó (Ảnh: T.L) |
Theo FAO, tình trạng dư cung, nhu cầu nhập khẩu yếu và việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen là những yếu tố góp phần vào sự sụt giảm của chỉ số trên.
Bên cạnh đó, FAO nhận định đà giảm của chỉ số giá lương thực phản ánh mức giá thấp hơn đối với ngũ cốc, dầu thực vật và sản phẩm sữa, trong khi giá đường và thịt vẫn tăng.
Maximo Torero, nhà kinh tế trưởng của FAO cho biết, dù giá giảm ở cấp độ toàn cầu, song vẫn ở mức cao và tiếp tục tăng tại thị trường trong nước, qua đó đặt ra những thách thức bổ sung đối với an ninh lương thực. Tình hình đặc biệt trở nên nghiêm trọng hơn tại các nước đang phát triển phải nhập khẩu lương thực ròng, trong khi đồng nội tệ mất giá và gánh nặng nợ nần ngày càng chồng chất.
Trong tháng 3, chỉ số giá ngũ cốc của FAO giảm 5,6% so với tháng trước đó, với giá lúa mì giảm 7,1%, giá ngô giảm 4,6% và giá gạo giảm 3,2%. Trong khi đó, giá đường tăng 1,5% lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2016, do những lo ngại về sản lượng giảm tại Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc. Cùng tháng, chỉ số giá thịt tăng 0,8%.
Bên cạnh đó, FAO đã nâng ước tính sản lượng ngũ cốc thế giới trong năm 2022 lên 2,777 tỷ tấn, chỉ giảm 1,2% so với năm trước đó. Sản lượng gạo thế giới niên vụ 2022 - 2023 ước đạt 516 triệu tấn, giảm 1,6% so với vụ thu hoạch kỷ lục 2021 - 2022.
Nhu cầu tiêu thụ ngũ cốc thế giới trong giai đoạn 2022 - 2023 được ước tính ở mức 2,779 tỷ tấn, giảm 0,7% so với niên vụ 2021 - 2022, trong khi dự trữ ngũ cốc vào cuối niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm 0,3% xuống 850 triệu tấn./.