Giá dầu giảm mạnh sau khi sụt giảm trong phiên trước đó, do lo ngại về nhu cầu yếu do tình trạng của nền kinh tế toàn cầu và số ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc.

Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon, dầu Brent đã giảm khoảng 9,4% trong tuần này, mức giảm mạnh nhất trong hai ngày đầu năm kể từ tháng 1/1991. Tình trạng của nền kinh tế toàn cầu và các đợt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương cũng ảnh hưởng đến giá dầu thô.

Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) cho biết, hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục giảm trong tháng 12, tháng giảm thứ hai liên tiếp, từ 49,0 điểm của tháng 11 xuống 48,4 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.

Giá dầu thế giới ngày 5/1 tiếp tục giảm mạnh
Giá dầu thế giới giảm hơn 4 USD/thùng. Ảnh: T.L

Đồng thời, một cuộc khảo sát từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, cơ hội việc làm giảm ít hơn dự kiến, làm dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ sử dụng thị trường lao động thắt chặt như một lý do để giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy, sản lượng dầu của OPEC đã tăng trong tháng 12/2022, bất chấp thỏa thuận của liên minh OPEC + là cắt giảm mục tiêu sản lượng để hỗ trợ thị trường.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã bơm 29 triệu thùng mỗi ngày (bpd) vào tháng 12, cuộc khảo sát cho thấy, tăng 120.000 bpd so với tháng 11.

Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu khí Mỹ, tồn trữ dầu thô của Mỹ có thể tăng 3,3 triệu thùng, tồn trữ xăng tăng 1,2 triệu thùng trong tuần trước, trong khi tồn trữ sản phẩm chưng cất giảm./.