Giá gạo xuất khẩu Việt Nam dự báo vẫn duy trì ở mức cao
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Văn Chung

Tăng trưởng mạnh về lượng và giá trị

Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo tận dụng được cơ hội từ diễn biến của thị trường thế giới với mức giá cao, đem lại nguồn lợi cho doanh nghiệp và nâng cao thu nhập cho người nông dân, đóng góp vào sự thắng lợi của xuất khẩu gạo nói riêng và xuất khẩu nông sản nói chung.

Đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2024, ngành Nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn; đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên. Việt Nam cũng là nước đầu tiên trên thế giới xây dựng và phát triển kế hoạch sản xuất 1 triệu ha.

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/4/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 2,69 triệu tấn gạo, trị giá hơn 1,74 tỷ USD tăng 13,6% về lượng và 39% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu trong tháng 3/2024 và nửa đầu tháng 4/2024 đã giảm so với giá gạo xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm. Hiện nay, gạo tiêu chuẩn 5% tấm hiện ở mức 582 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 557 USD/tấn; gạo 100% tấm duy trì ổn định ở mức 480 USD/tấn. Các chuyên gia cho rằng, mặc dù giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở vùng giá thấp nhất trong vòng hơn 6 tháng trở lại đây nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn đang cao hơn gần 120 USD/tấn

Nhận định về thị trường gạo quý II/2024, Phó Chủ tịch VFA Đỗ Hà Nam đánh giá, giá gạo thế giới và gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Nguyên nhân do nguồn cung gạo trên thế giới vẫn thu hẹp do điều kiện thời tiết bất lợi, nhiều quốc gia cung ứng lớn buộc phải cấm và hạn chế xuất khẩu. Hiện tượng thời tiết El Nino, yếu tố khiến nhiều khu vực lớn ở châu Á khô hạn trong năm 2023, dự kiến tiếp diễn trong nửa đầu năm 2024. Trong khi đó, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn chưa gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng kể từ giữa năm ngoái; hơn nữa Thái Lan, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới cũng cho biết sẽ cắt giảm lượng gạo xuất khẩu nhằm để đảm bảo an ninh lương thực trong nước…

Ổn định nguồn hàng chất lượng cao

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam dự báo vẫn duy trì ở mức cao
Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, tiềm ẩn rủi ro tới hoạt động thương mại hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là nhóm hàng lương thực thực phẩm, trong đó có gạo. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành, địa phương về giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu đã góp phần mang lại cho hoạt động xuất khẩu gạo những kết quả tích cực.

Về phía Bộ NN&PTNT, ngành trồng trọt đang đẩy mạnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp để ổn định nguồn cung lúa gạo, nhất là nguồn hàng chất lượng cao phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Đáng chú ý, bộ này đang tích cực phối hợp với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) triển khai thực hiện Ðề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030 (Ðề án). Ðề án này kỳ vọng tạo chuyển đổi căn bản phương thức sản xuất lúa gạo ở ÐBSCL, tạo điều kiện nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng và thu nhập cho nông dân, góp phần bảo vệ môi trường./.