Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: T.U
Xuất khẩu chiếm hơn 1/6 tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới
Tại Hội nghị Triển vọng sản xuất và thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam, do Bộ Công thương phối hợp với Tạp chí The Rice Trader (TRT), Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức chiều 10/10, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những năm gần đây, ngành gạo Việt Nam có bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện hàng năm, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới.
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2018, nước ta đã xuất khẩu trên 4,89 triệu tấn gạo với giá trị khoảng 2,46 tỷ USD, lần lượt tăng 6,7% về lượng và tăng 21,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
"Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới với sự hiện diện tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, tại những thị trường khó tính với yêu cầu cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU…, gạo Việt cũng đã thâm nhập thành công", Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” xác định đến năm 2020, duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa.
Bên cạnh đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết thêm, theo dự kiến, năm 2018 xuất khẩu gạo nước ta sẽ đạt con số 3,2 - 3,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đó, xuất khẩu gạo vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. "Thương mại toàn cầu đang tiềm ẩn những biến động khó lường, gạo lại là mặt hàng nhạy cảm, được nhiều nước chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường rất cao", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá.
Trong khi đó, ngành gạo còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. "Chất lượng gạo xuất khẩu chưa cao, chủng loại chưa phong phú nên tính cạnh tranh còn thấp so với các nước đối thủ", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá.
![]() |
Gian hàng quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam. Ảnh: T.U |
Thêm vào đó, đa phần DN sản xuất, kinh doanh gạo có năng lực tiếp cận, thâm nhập thị trường ở mức kém. Thậm chí, khi đã chen "chân" vào được các thị trường xuất khẩu, hoạt động marketing hay khả năng đàm phán ký kết thực hiện hợp đồng của DN rất yếu.
Chính vì vậy, các sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa được người tiêu dùng cuối cùng tại các thị trường nhập khẩu biết đến, bởi phần lớn gạo Việt xuất khẩu đến tay người tiêu dùng thông qua một thương hiệu khác. Mặt khác, khi tranh chấp thương mại quốc tế thì đa phần DN rất lúng túng trong việc xử lý, giải quyết...
Cần xây dựng chỉ dẫn địa lý để tăng giá trị
Tại hội nghị, bàn về giải pháp để phát triển ngành gạo và tăng trưởng bền vững xuất khẩu gạo, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là DN cần tập trung vào chất lượng thay vì chạy theo số lượng như thời gian vừa qua. Đặc biệt, nước ta cần xây dựng chỉ dẫn địa lý để tăng thêm giá trị cho hạt gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, nước ta cần hướng tới việc sản xuất gạo theo quy trình sạch, gạo hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo; tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói...
Còn theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Việt Nam cần phát triển thị trường xuất khẩu để tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ xuất khẩu.
"Chúng ta cần đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định và khai thác cơ hội, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu nước ngoài đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm xây dựng thương hiệu gạo ở châu Á. Ông Martin Albani, cố vấn về thúc đẩy thương mại và phát triển xuất khẩu (Tập đoàn tài chính quốc tế) khuyến nghị, DN cần phải thay đổi tư duy, từ buôn bán hàng hóa sang thực hiện hoạt động makerting đối với hàng hóa đó, cần tập trung để xây dựng thương hiệu mặt hàng gạo.
"DN Việt cần xác định hình ảnh, đưa ra hình ảnh và phát triển thương hiệu. Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu gạo của Thái Lan. Họ luôn chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm gạo của mình, đặc biệt quan tâm xây dựng chỉ dẫn địa lý - đây chính là yếu tố bảo hộ thương hiệu gạo của họ. Đầu tiên họ làm ở cấp quốc gia, sau đó đưa hồ sơ lên EU, việc này giúp thúc đẩy xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Thái Lan, giúp nâng cao giá bán so với sản phẩm thông thường", ông Martin Albani lấy dẫn chứng.
Về phía DN Việt Nam, các DN cho rằng để phát triển ngành gạo, Nhà nước cần tiếp tục có các chính sách ưu tiên về đất đai, quy hoạch vùng trồng lúa hiệu quả hơn, nghiên cứu giống và hỗ trợ cho người nông dân.
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, thay vì để nông dân phải tự trang trải nguồn giống và vật tư, Nhà nước và DN cần hỗ trợ cung cấp nguồn giống chất lượng, ứng trước vật tư nông nghiệp cho họ. Đồng thời, phải cam kết đầu ra với mức giá được thỏa thuận, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên để tạo sự tin tưởng, an tâm cho người sản xuất./.
Một số hình ảnh bên lề hội thảo:
![]() |
Rất nhiều DN gạo nước ngoài tham gia trưng bày sản phẩm. |
![]() |
Gian hàng của DN Việt Nam. |
![]() |
Đông đảo đại biểu nước ngoài tham gia hội nghị. |
Bài và ảnh: Tố Uyên