Giảm thiểu thiệt hại thiên tai tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên bằng cách nào?
Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên bằng cách nào?. Ảnh: Diệu Hoa

Thiên tai gây thiệt hại về kinh tế trên 36.000 tỷ đồng

Báo cáo tại hội nghị trực tuyến về "Giải pháp phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên", do Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức chiều 23/2, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho biết, miền Trung - Tây Nguyên là khu vực có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nơi đây cũng chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai thường xảy ra ở nước ta với tần suất cao hơn và mức độ khốc liệt hơn các khu vực khác, nhất là các loại hình thiên tai như: bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn...

Từ giữa tháng 9/2021 đến tháng 12/2021, khu vực miền Trung và Tây Nguyên lại tiếp tục chịu ảnh hưởng liên tiếp 4 cơn bão và 6 đợt mưa lũ; trong đó bão số 9 (siêu bão Rai), mặc dù đã giảm cấp khi qua đất liền Philippines song vào biển Đông cường độ rất mạnh ở cấp siêu bão, được đánh giá là mạnh nhất trong 40 năm qua. Mưa lũ đã làm 37 người bị chết và mất tích, tổng thiệt hại về vật chất khoảng 4.000 tỷ đồng.

Cũng theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, trong những năm gần đây, cùng với biến đổi khí hậu, thiên tai trong khu vực ngày càng cực đoan, bất thường. Năm 2020, mưa lũ lịch sử, lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng xảy ra tại khu vực, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, làm 249 người chết, mất tích; 1.531 nhà sập, 239.341 nhà bị hư hại, tốc mái, 473.449 lượt nhà bị ngập; nhiều công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, dân sinh bị hư hỏng, sạt lở; ước tính thiệt hại về kinh tế trên 36.000 tỷ đồng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Đức Cường cũng cho biết, năm 2021, tại Việt Nam nhiệt độ trung bình trên toàn quốc tăng so với trung bình nhiều năm là 0,7 độ. Điều này cho thấy biến đổi khí hậu tác động đến các thiên tai như làm cho bão mạnh hơn, xu hướng bão hoạt động ở phía Nam hơn, nên khu vực miền Trung là nơi tập trung nhiều bão nhất so với cả nước…

Dự báo năm 2022 sẽ có khoảng 10 - 12 cơn bão, trong đó 4 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Ngoài ra bão có khả năng xuất hiện sớm. Từ Bắc Trung Bộ trở vào dự báo có tác động của bão từ tháng 7, 8 và kéo dài đến tháng 11, số lượng ở mức trung bình nhiều năm, chưa có dấu hiệu xuất hiện dồn dập như 2 năm trước...

Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Trước những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo đúng hướng dẫn của Trung ương; chủ động phương án ứng phó và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả; phối hợp với các lực lượng quân đội, công an trên địa bàn huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ và hàng nghìn phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân…

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng của rất nhiều loại hình thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn...) tại khu vực miền Trung. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của trung ương, các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, giúp đỡ nên tỉnh Hà Tĩnh giảm thiểu được nhiều thiệt hại.

Theo đó, tỉnh đã thông tin về dự báo, tuyên truyền, cung cấp đến người dân một cách kịp thời để họ chủ động ứng phó. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng, tu bổ các nhà cộng đồng, đê, kè, hồ thủy lợi phục vụ phòng, chống thiên tai và sản xuất của người dân; xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão để chủ động phòng tránh.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án sắp xếp dân cư khu vực miền núi với trên 7.000 hộ và kinh phí là trên 9.000 tỷ đồng, đồng thời tỉnh cũng thực hiện tốt việc vận hành liên hồ chứa.

Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND Đắk Nông thông tin, năm 2021, thiên tai đã làm thiệt hại khoảng 120 tỷ đồng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nhân dân. Để thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới, tỉnh đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện công tác nâng cao năng lực phòng chống thiên tai; làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống thiên tai...

Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh, để công tác phòng, chống thiên tai trong khu vực đạt hiệu quả cao hơn nữa thời gian tới, các địa phương cần tập trung nguồn lực, nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo; cũng như nâng cao chất lượng, khả năng phòng chống thiên tai, bảo vệ hệ thống hồ chứa, đê điều, công trình hạ tầng gây cản lũ; phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Đặc biệt, các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở an toàn trước thiên tai; xây dựng giải pháp thoát lũ và bảo đảm an toàn các đô thị, khu dân cư, sản xuất thích ứng thiên tai, với chủ trương “chủ động phòng, tránh, thích nghi với thiên tai”; tăng cường giải pháp tổng hợp phòng chống sạt lở đất, lũ quét cũng như ứng phó với bão mạnh, nước biển dâng.

Ban chỉ đạo về phòng, chống thiên tai cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia, trong đó có khu vực miền Trung và Tây Nguyên; với một số nội dung chủ yếu như: Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; hoàn thành triển khai chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn khu vực miền Trung và Tây Nguyên…

Bộ Tài chính Việt Nam vừa ký biên bản ghi nhớ (MoU) để trở thành thành viên thứ 8 của Công cụ bảo hiểm rủi ro thiên tai Đông Nam Á (SEADRIF) bao gồm các quốc gia Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đại diện Bộ Tài chính Việt Nam trong Hội đồng thành viên SEADRIF.

Bộ Tài chính cho biết, SEADRIF là một nền tảng hợp tác khu vực của các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3) nhằm tăng cường năng lực tự cường tài chính đối với rủi ro thiên tai và khí hậu trong khu vực ASEAN. Với việc tham gia SEADRIF, Việt Nam sẽ tiếp cận các giải pháp kỹ thuật, tài chính của khu vực và quốc tế giúp tăng cường khả năng bảo vệ tài chính quốc gia và người dân trước những cú sốc về thiên tai và khí hậu.

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết thêm: “Việc Việt Nam gia nhập SEADRIF là một bước quan trọng để cải thiện không gian tài khóa và tính chống chịu của hệ thống tài chính quốc gia trước các rủi ro thiên tai và khí hậu, điều này đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi Việt Nam đang trên con đường phục hồi xanh và bền vững sau Covid-19.