Với trữ lượng than đá chiếm tới hơn 90% tổng trữ lượng cả nước, cùng nhiều loại khoáng sản giá trị khác như đá vôi, sét xi măng, pyrophylit, cát thủy tinh, Quảng Ninh từng là “thủ phủ” khoáng sản của Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì “đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế đơn thuần”, địa phương này đang triển khai nhiều giải pháp đột phá nhằm đảm bảo sự phát triển cân bằng và bền vững.
Nhằm kiểm soát các tác động tiêu cực từ khai thác khoáng sản, Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách quan trọng. Tỉnh yêu cầu tất cả các dự án khai khoáng phải hoàn tất thủ tục pháp lý, triển khai đầy đủ các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT) trước khi đi vào vận hành. Đặc biệt, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đóng cửa toàn bộ các mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, qua đó hoàn nguyên môi trường tại những khu vực đã bị tác động.
Tỉnh Quảng Ninh cũng kiên quyết không gia hạn cho những mỏ có hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khu dân cư, hoặc không phù hợp với quy hoạch tổng thể. Đối với các mỏ đã hết hạn nhưng vẫn còn trữ lượng, việc gia hạn chỉ được xem xét nếu mức độ ảnh hưởng đến môi trường là tối thiểu và nằm trong khả năng kiểm soát.
![]() |
Tưới nước làm giảm bụi tại các khai trường mỏ. Ảnh T.D |
Các doanh nghiệp hoạt động khai thác trên địa bàn cơ bản tuân thủ quy định pháp luật về đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Hầu hết các đơn vị đã tiến hành ký quỹ BVMT theo quy định, với tổng số tiền ký quỹ trong năm 2024 lên tới hơn 66 tỷ đồng cho 88 dự án. Một số doanh nghiệp đã được hoàn trả ký quỹ sau khi hoàn tất phục hồi môi trường.
Những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang đầu tư mạnh mẽ cho BVMT, thông qua các hệ thống xử lý bụi, nước thải, rửa xe tự động, băng tải vận chuyển kín, hệ thống phun sương dập bụi, và đặc biệt là trồng cây phủ xanh tại các khu vực đã khai thác. TKV đã dành hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho công tác này, bao gồm cả duy tu hệ thống thu gom nước, xử lý chất thải nguy hại và cải tạo cảnh quan mỏ.
Song song đó, tỉnh Quảng Ninh cũng siết chặt kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản. Các mỏ hết phép hoặc chưa hoàn tất thủ tục gia hạn bị đình chỉ hoạt động. Những vi phạm về BVMT bị xử lý nghiêm, đặc biệt là các trường hợp cố tình tái phạm nhiều lần.
Với quan điểm khoáng sản là tài nguyên không thể tái tạo và phải được khai thác một cách hợp lý, tiết kiệm, có trách nhiệm. Tỉnh không những đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà còn cam kết bảo vệ môi trường sống của người dân và hệ sinh thái tự nhiên. Việc đóng cửa các mỏ khai thác lộ thiên, di dời các cơ sở sản xuất gần khu dân cư, phục hồi môi trường sau khai thác, đều cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ trong định hướng phát triển của tỉnh.
Hiện trên địa bàn có tổng cộng 106 giấy phép khai thác khoáng sản đang có hiệu lực, bao gồm 49 giấy phép thuộc thẩm quyền Bộ Tài nguyên và Môi trường và 57 giấy phép do UBND tỉnh cấp. Trong năm 2024, tỉnh đã ban hành 4 quyết định đóng cửa mỏ, cấp 55 giấy phép liên quan đến khai thác nước và phê duyệt 22 quyết định về cấp quyền khai thác khoáng sản. |