Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025 với chủ đề “Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững” đã diễn ra ngày 22/5, tại Ninh Bình với sự phối hợp tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND tỉnh Ninh Bình, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) GmbH.
![]() |
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025 tại Ninh Bình |
Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, kêu gọi cam kết và quyết tâm của các bên liên quan để triển khai các mục tiêu của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) được Công ước Đa dạng sinh học (CBD) thông qua năm 2022 và Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NBSAP).
Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu đa dạng sinh học cao nhất thế giới với 3 nhóm hệ sinh thái cơ bản: hệ sinh thái trên cạn; hệ sinh thái đất ngập nước và hệ sinh thái biển.
Việt Nam cũng là một trong các trung tâm có nguồn gen cây trồng và vật nuôi địa phương đa dạng của thế giới, gồm hơn 6.000 giống lúa, khoảng 800 loài cây trồng và là nguồn gốc của khoảng 887 giống vật nuôi, trong đó có khoảng 30 giống đang được sử dụng rộng rãi.
Các hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng bảo là nguồn vốn tự nhiên quan trọng cho phát triển bền vững nhiều ngành kinh tế, đặc biệt đối với nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch và dược liệu. Bảo tồn đa dạng sinh học đã được Đảng và Nhà nước coi là một trong những giải pháp để thực hiện phát triển bền vững đất nước.
Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng Đại diện UNDP Việt Nam cho biết, đa dạng sinh học phải được xem là một nguồn vốn quan trọng cho phát triển bền vững. Việc tích hợp bảo tồn đa dạng sinh học vào các quy hoạch phát triển quốc gia và ngành, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng… là điều cần thiết.
Ông nhấn mạnh: “Khi thiên nhiên được coi trọng và bảo vệ ngay từ đầu khi làm quy hoạch phát triển, chúng ta sẽ giảm thiểu các rủi ro và chi phí trong tương lai”.
![]() |
Ông Patrick Haverman- Phó Trưởng Đại diện UNDP Việt Nam phát biểu tại sự kiện |
Ở góc độ tài chính, ông cho biết, trong một thế giới với các nguồn lực hạn chế, tài chính đổi mới và bền vững là chìa khóa để giải quyết các thách thức bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Các giải pháp như du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên trong các khu bảo tồn, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, chi trả dịch vụ hệ sinh thái cho các hệ sinh thái biển và đất ngập nước và tài chính carbon là những công cụ mạnh mẽ để huy động đầu tư của khu vực tư nhân cho bảo tồn thiên nhiên.
Tuy nhiên, hiệu quả của các chính sách này phụ thuộc vào việc có được một môi trường pháp lý thuận lợi, rõ ràng với sự lãnh đạo mạnh mẽ, quyết tâm của nhà nước.
Bằng cách xây dựng khung pháp lý và chính sách rõ ràng, có tầm nhìn xa, Chính phủ có thể tạo ra các điều kiện cần thiết để các cơ chế tài chính bền vững được xây dựng, áp dụng và phát triển.
Song song với đó, khu vực tư nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hành các nguyên tắc bền vững (ESG), đảm bảo rằng các khoản đầu tư không chỉ tạo ra lợi nhuận tài chính mà còn mang lại lợi ích môi trường và xã hội có thể đo lường được.
“Cùng với nhau, chính sách đúng đắn và hành động của khu vực tư nhân sẽ hình thành nền tảng cho một tương lai có tính chống chịu và bền vững” - ông nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị cho rằng trong thời gian tới cần hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng hợp lý đa dạng sinh học, phát triển sinh kế xanh, du lịch sinh thái.
“Cần xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực tài chính, đa dạng hóa nguồn đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để thu hút, gia tăng tối đa các nguồn hỗ trợ và đầu tư về tài chính cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học” - ông Trị khẳng định./.
Theo ông Patrick Haverman, ODA vẫn là một nguồn hỗ trợ tài chính và kỹ thuật quan trọng, đặc biệt trong việc giúp Việt Nam đáp ứng các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn thiên nhiên. Do đó, Chính phủ cần đẩy nhanh việc phê duyệt và thực hiện nhiều dự án ODA đang bị chậm trễ, để tận dụng tốt nhất nguồn lực quý giá này trong những năm tới cho phát triển và bảo vệ môi trường. |