PV: Chính phủ vừa có tờ trình trình Quốc hội về đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết năm 2023. Theo ông, việc được giảm thuế tác động ra sao đến tăng trưởng kinh tế, đời sống người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN)?
PGS. TS Lê Xuân Trường |
PGS. TS Lê Xuân Trường: Theo tôi, việc giảm thuế GTGT có 2 tác động cơ bản: tác động về phía người tiêu dùng và tác động về phía doanh nghiệp, tùy theo quan hệ cung cầu của từng loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể và các điều kiện khác có liên quan.
Về phía DN: Nếu DN sản xuất, kinh doanh ở những lĩnh vực mà cầu đang ở mức thấp, khó tiêu thụ hàng hóa thì việc giảm thuế GTGT giúp DN giảm giá bán; từ đó, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm mà DN sản xuất, kinh doanh.
Nhờ việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, các DN tăng tính thanh khoản trong kinh doanh, quay vòng vốn kinh doanh nhanh hơn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Nếu ở những lĩnh vực mà cầu không giảm quá thấp hoặc hàng hóa, dịch vụ rất ít co giãn, DN lựa chọn tăng giá bán chưa có thuế GTGT để thu được giá bán đã có thuế GTGT như trước khi giảm thuế thì DN gia tăng lợi nhuận, có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Về phía người tiêu dùng: Trong trường hợp các DN giữ nguyên giá bán chưa có thuế GTGT thì người tiêu dùng mua được hàng hóa, dịch vụ với giá bán đã có thuế GTGT thấp hơn so với trước khi giảm thuế; từ đó, góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân. Người lao động còn được hưởng lợi gián tiếp nhờ việc các DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh nên tạo công ăn việc làm thêm cho nền kinh tế và có điều kiện tăng thu nhập cho người làm công, ăn lương.
PV: Kịch bản tăng trưởng GDP quý I/2023 Chính phủ đặt ra là 5,6%. Tuy nhiên hết quý I, GDP mới chỉ đạt 3,32%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra, theo ông đâu là yếu tố bất lợi tác động đến tốc độ tăng trưởng?
PGS. TS Lê Xuân Trường: Quý I/2023, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp hơn; khó khăn thách thức đối với nền kinh tế và hoạt động của DN ngày càng tăng, tạo sức ép lớn đối với ổn định kinh tế vĩ mô, tác động tới phục hồi và phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực.
Như chúng ta đã biết, tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ kịch bản tăng trưởng GDP quý I là 5,6%. Tăng trưởng chủ yếu nằm ở 2 khu vực dịch vụ và nông - lâm - thủy sản, trong khi khu vực công nghiệp vốn luôn là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế nhưng lại đang suy giảm.
Kích cầu tiêu dùng cũng là giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. |
Đến nay, nhiều DN đã sa thải hoặc giãn việc một số lượng lớn công nhân do DN bị cắt giảm hoặc không có đơn hàng, khiến đời sống một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn. Thực tế này đang đặt ra nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023. Do đó, đòi hỏi chúng ta cần có thêm giải pháp hỗ trợ DN, người dân và nền kinh tế để có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi.
Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã thực hiện trong thời gian qua, để hỗ trợ DN, người dân, các nước thường áp dụng các gói gồm nhiều biện pháp chính sách mà trọng tâm là hỗ trợ các DN gặp khó khăn về dòng tiền, vốn trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất thông qua chính sách tiền tệ như hạ lãi suất cho vay và đẩy mạnh hoạt động cho vay, giãn nợ ngân hàng.
Cùng với đó là các giải pháp kết hợp để giảm gánh nặng thanh toán gồm cắt giảm chi phí kinh doanh (giảm tiền thuê mặt bằng, tiền thuê đất, phí dịch vụ), gia hạn thời hạn nộp thuế; tăng chi tiêu cho an sinh xã hội, hỗ trợ tiền mặt cho người dân; đẩy mạnh đầu tư công vào các lĩnh vực then chốt như hạ tầng, công nghệ...
Thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về gia hạn thời hạn nộp thuế Trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về gia hạn thời hạn nộp thuế (đối với các sắc thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất), giảm nhiều loại thuế đối với các mặt hàng xăng, dầu và tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thu phí, lệ phí... |
Trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về gia hạn thời hạn nộp thuế (đối với các sắc thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và tiền thuê đất), giảm thuế (thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các mặt hàng xăng, dầu) và tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thu phí, lệ phí.
Đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp hỗ trợ thời gian qua đã chỉ ra, các giải pháp có hiệu quả cao, tác động tích cực ngay tới hoạt động của DN, người dân tập trung vào gia hạn thời hạn nộp thuế; giảm thuế GTGT; giảm thuế bảo vệ môi trường (đối với các mặt hàng xăng, dầu) và giảm tiền thuê đất; giảm các khoản thu phí, lệ phí.
Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT như đã áp dụng trong năm 2022 nhằm hỗ trợ DN, người dân là cần thiết.
PV: Vậy theo ông, việc giảm thuế sẽ tác động ra sao đến công tác thu NSNN, Chính phủ cần có giải pháp gì để giảm thiểu những tác động bất lợi đến tiến độ và kết quả thu ngân sách trong bối cảnh nhiều nguồn thu đang có sự sụt giảm?
PGS. TS Lê Xuân Trường: Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài chính cũng như các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.
PV: Xin cảm ơn ông!
Giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ Nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phục hồi và phát triển kinh tế, năm 2022 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT), áp dụng trong năm 2022. Việc giảm thuế GTGT tổng cộng khoảng 44 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 đã góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế khi xác định hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế. Quy định loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 làm tăng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và chi phí hành thu của cơ quan thuế (nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khi xác định đối tượng không được giảm thuế cần có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành liên quan). Do vậy, năm 2023, Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%; giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%. |