Khai mạc hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, thực hiện Nghị quyết 129/2024/QH15 của Quốc hội, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, vào tháng 10/2024 và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, tháng 5/2025.

Vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm ghi nhận và phản ánh ý kiến từ góc độ của ngành đồ uống (bia, rượu, nước giải khát) đối với Dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi).

Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống
Toàn cảnh hội thảo sáng 8/8. Ảnh: Hải Anh

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho hay, thuế TTĐB nhằm điều chỉnh các hàng hoá dịch vụ không phục vụ cho nhu cầu thiết yếu, không khuyến khích, hạn chế tiêu dùng, hoặc thuộc nhóm sản phẩm ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường, sức khoẻ cộng đồng, an sinh xã hội.

Việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB phù hợp với chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong vấn đề phòng ngừa, kiểm soát bệnh không lây nhiễm, cụ thể thông qua chính sách thuế để giảm thiểu, kiểm soát sản phẩm có hại cho sức khỏe người dân.

"Chúng tôi nhất trí cao quan điểm điều tiết tăng thuế TTĐB đối với sản phẩm đồ uống có cồn, rượu bia. Việc tăng thuế cần có sự hài hoà đảm bảo hạn chế tiêu dùng, định hướng sản xuất kinh doanh và yêu cầu điều tiết của mỗi quốc gia trong từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử nhất định" - bà Nguyễn Thị Cúc chia sẻ.

Để chủ trương chính sách của Chính phủ về bảo vệ sức khoẻ người dân đạt hiệu quả như mong muốn, các chuyên gia kinh tế cũng đồng thuận, bên cạnh chính sách thuế TTĐB, cần tiến hành đồng bộ khác cùng với Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cần có các biên pháp quyết liêt chống hàng nhập lậu.

Đưa vào diện quản lý nộp thuế TTĐB rượu trong dân, sản xuất rượu không có đăng ký kinh doanh, không đảm bảo chất lượng gây ngộ độc, chết người, ảnh hưởng sức khảo nhân dân, và trật tự, an sinh xã hội.