Theo đó, doanh nghiệp được phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại (PVTM) gồm 3 biện pháp cơ bản: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Hà Nội: Nâng cao khả năng phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp
Các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội được nâng cao khả năng phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp. Ảnh: TL

Trong đó, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không công bằng của hàng hóa nhập khẩu (như bán phá giá hoặc được trợ cấp). Biện pháp tự vệ là công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa trong nước nhằm hạn chế những tác động tiêu cực gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến.

Triển khai thực hiện Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, UBND TP. Hà Nội đã phối hợp với Bộ Công thương xử lý các vụ việc PVTM có liên quan đến sản phẩm, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Điển hình như vụ Ấn Độ điều tra chống trợ cấp thép không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam năm 2018; vụ việc Úc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với ống thép chính xác của Việt Nam năm 2020; vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm lốp xe ô tô của Việt Nam năm 2020; vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mật ong của Việt Nam năm 2021; vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm tủ gỗ, pin năng lượng mặt trời của Việt Nam năm 2022.

Trong năm 2023, Sở Công thương Hà Nội tiếp tục chủ động tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo, tập huấn chuyên đề hỗ trợ doanh nghiệp kỹ năng nâng cao khả năng phòng vệ thương mại khi thực hiện xuất khẩu hàng hóa vào thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao và áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.